Hà Nội thu ngân sách ấn tượng

Năm 2024, lần đầu thành phố Hà Nội thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2023. Kết quả này cho thấy sự tăng trưởng tích cực, cũng như hiệu quả của những giải pháp thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long.

Lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết, tăng 20% thu ngân sách của Hà Nội hiện nay tương đương khoảng 80.000 tỷ đồng. Con số này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Thủ đô và cả nước.

Thu nội địa tăng cao

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 11 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 447.200 tỷ đồng, vượt 9,5% dự toán năm và tăng 18,3%; thu nội địa 416.600 tỷ đồng, vượt 10,1% dự toán và tăng 18,5% so với cùng kỳ. Dự kiến, tổng thu ngân sách cả năm 2024 của Thủ đô sẽ vượt 500.000 tỷ đồng.

Trong đó, tất cả 30 quận, huyện, thị xã của thành phố đều vượt mức thu và hoàn thành 100% thu về thuế, phí. Đáng chú ý, số thu nội địa chiếm gần 94% trong cơ cấu thu ngân sách của thành phố, bao gồm: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nhà nước, thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất… đều tăng hai con số so với năm 2023.

Với gần 400.000 doanh nghiệp, chiếm một phần ba tổng số doanh nghiệp của cả nước, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tích cực sát cánh, đồng hành cùng cơ quan thuế thực hiện tốt các chủ trương, chính sách; luôn nêu cao ý thức tuân thủ chính sách pháp luật thuế, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...

Kế toán trưởng Công ty cổ phần Quốc tế Đại Tây Dương Nguyễn Thị Tuyết cho biết, năm 2023, công ty có doanh thu 250 tỷ đồng, đã đóng góp 17 tỷ đồng vào thu ngân sách của thành phố Hà Nội. Năm 2024, dự kiến doanh thu của công ty tăng trưởng 10%, do đó mức đóng góp cho ngân sách sẽ tăng. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Vision Trần Văn Nam cho biết, tăng trưởng của doanh nghiệp năm nay đạt 30%, cho nên mong muốn đóng góp nhiều nhất có thể cho ngân sách nhà nước thông qua thuế.

Một khoản thu lớn, có mức tăng “ấn tượng” năm 2024 chính là nguồn thu từ đất. 11 tháng qua, thành phố đã thu tiền sử dụng đất đạt 35.200 tỷ đồng, đạt 97,4% và tăng ba lần so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất của thành phố đạt gần 18.600 tỷ đồng. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, năm 2024, chỉ tiêu thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất của thành phố là hơn 25.100 tỷ đồng. Ước đến hết năm 2024, thành phố sẽ hoàn thành chỉ tiêu này, tăng gần gấp đôi so với các năm trước. Đồng thời, việc tổ chức tốt công tác đấu giá đất đã giúp tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả cho tiếp cận và sử dụng đất đai.

Chi cục trưởng Thuế huyện Đông Anh (Hà Nội) Cao Văn Thắng cho biết: Năm nay, Chi cục Thuế Đông Anh có số thu lớn nhất trong số các chi cục thuộc Cục Thuế thành phố Hà Nội với hơn 21.600 tỷ đồng. Có được kết quả nêu trên là do chính sách phát triển kinh tế của thành phố và của huyện nhằm đưa Đông Anh sớm đạt các chỉ tiêu để lên quận. Nhiều dự án lớn được triển khai trên địa bàn đã tạo nguồn thu gần 18.000 tỷ đồng trong năm 2024, chiếm 83% tổng thu ngân sách của huyện.

Thuế từ hoạt động thương mại điện tử nhiều năm trước còn là lĩnh vực bị “bỏ ngỏ” thì trong năm 2024, thành phố Hà Nội có nhiều giải pháp tăng cường quản lý nguồn thu này. Cục Thuế thành phố đã đẩy mạnh thông tin tới các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để nắm bắt, chủ động thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế đúng quy định.

Trên cơ sở dữ liệu lớn, Cục Thuế thành phố số hóa, kết nối thông tin để xây dựng, phát triển Hệ thống Cơ sở dữ liệu thương mại điện tử, có thể định danh chính xác người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trên không gian mạng. Với hơn 117 triệu bản ghi về giao dịch mua bán, Cục Thuế định danh, định vị hơn 325.000 gian hàng tương ứng với 222.000 mã số thuế là chủ sở hữu, người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với các thông tin chi tiết. Kết quả, 10 tháng đầu năm 2024, tổng số thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Thủ đô đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 9.000 tỷ đồng, tương ứng 136% so với cùng kỳ…

Tăng thu bền vững

Với việc quản lý hơn 236.000 doanh nghiệp, 235.000 hộ kinh doanh và hơn 10 triệu mã số thuế cá nhân, công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.

Ngành Thuế Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp cải cách hành chính, hỗ trợ người nộp thuế, cũng như thực hiện các chính sách hoãn, miễn, giảm thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thuế, xử lý nợ đọng thuế, tập trung đôn đốc, cưỡng chế thu nợ thuế đối với các trường hợp chây ỳ, cố tình trốn thuế…

Mới đây, Cục Thuế Hà Nội đã ra mắt sản phẩm Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế. Từ việc tổng hợp, phân loại toàn bộ cơ sở dữ liệu về các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính thuế (với 100 bộ luật chuyên ngành), biên tập hơn 10.000 câu hỏi song ngữ… và được tinh chỉnh, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo, Trợ lý ảo sẽ thực hiện trả lời những câu hỏi của người nộp thuế một cách tự động, nhanh chóng, chính xác với nội dung chi tiết, dễ hiểu, tích hợp sẵn các mẫu biểu thủ tục hành chính hiện hành, những clip hướng dẫn trực quan, dễ hiểu. Người nộp thuế có thể dễ dàng sử dụng, tương tác với Trợ lý ảo mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị công nghệ.

Bà Đỗ Hương Giang-Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Kỹ thuật sạch và thương mại Quốc tế ICT chia sẻ: “Những nỗ lực số hóa, đổi mới, thậm chí ứng dụng AI trong hoạt động của Cục Thuế thành phố Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục thuế nhanh và minh bạch hơn”.

Cùng với cải cách hành chính trong thu thuế, thành phố Hà Nội cũng thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ doanh nghiệp. Cục trưởng Cục Thuế thành phố Vũ Mạnh Cường cho biết, năm 2024, Cục Thuế thành phố đã miễn, giảm, gia hạn cho gần 150.000 người nộp thuế tương ứng với 52.560 tỷ đồng đối với bảy loại thuế và 36 loại phí.

Thành phố cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, công khai các doanh nghiệp nợ đọng thuế. Cục Thuế Hà Nội chủ động rà soát nghĩa vụ thuế để khoanh vùng đối tượng có dấu hiệu vi phạm, phối hợp cung cấp thông tin, hồ sơ có liên quan chuyển cơ quan công an, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Điển hình, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp Công an thành phố Hà Nội làm rõ hành vi để xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH dược phẩm công nghệ cao NAC (quận Bắc Từ Liêm) trong việc sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm che giấu hàng trăm tỷ đồng doanh thu bán hàng, trốn nghĩa vụ nộp thuế.

Theo các chuyên gia, mặc dù thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 vượt dự toán được giao, tuy nhiên, thời gian tới. thành phố cần tiếp tục khai thác nguồn thu của một số quận, huyện, nhất là nguồn thu từ đấu giá đất. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh nuôi dưỡng và khai thác nguồn thu; có giải pháp kiểm soát các nguồn thu phát sinh thông qua các giao dịch trung gian, thương mại điện tử; tiếp tục đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử…

Mới đây, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết nghị, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 là 505.437 tỷ đồng, tăng 2,7% so với ước thực hiện năm 2024, trong đó, dự toán thu nội địa 473.900 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế cùng các cấp tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính; ứng dụng công nghệ mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…, qua đó, duy trì nguồn thu ngân sách bền vững, tạo nguồn lực phát triển Thủ đô và đất nước.