Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng. Đường phố Hà Nội ngập tràn sắc cờ đỏ sao vàng, từng góc phố, từng ngôi nhà, từng người dân đều hân hoan, vui mừng. Đặc biệt, với những thanh niên trẻ, những người đã chứng kiến cảnh đàn áp, những cuộc đấu tranh khốc liệt dưới ách thống trị của thực dân Pháp, giờ đây háo hức với niềm tin về một tương lai mới, một thời đại mới đầy hứa hẹn.
Mặc dù đã 70 năm trôi qua nhưng những ký ức của người dân về giây phút hào hùng ấy vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Bà Cao Thị Hạnh (87 tuổi, quận Hoàn Kiếm) nhớ lại: “Từ tối ngày 9/10, nhân dân Thủ đô đã nhộn nhịp, phấn khởi hân hoan chuẩn bị cho sự kiện trọng đại. Rồi sang ngày hôm sau, lúc đó ở ngã rẽ bờ Hồ với Hàng Ngang, Hàng Đào tưng bừng, phấn khởi, náo nhiệt lắm. Tiếng bà con hô vang mừng các chú bộ đội với cờ hoa tung bay đẹp đến nao lòng. Tôi cảm thấy may mắn khi tuổi trẻ của mình được sống hòa mình trong không khí đó. Phải tận mắt chứng kiến mới biết hạnh phúc nhường nào”.
Bà Hạnh năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn nhớ như in cảm xúc Ngày Giải phóng Thủ đô 1954. |
Cùng cảm xúc đó, ông Nguyễn Tiến Đạt (90 tuổi, quận Hai Bà Trưng) với tâm thế của một anh bộ đội trẻ khi ấy xúc động kể lại: “Mỗi khi gặp lại hình ảnh đoàn quân tiến vào Thủ đô, tôi lại nhớ đến ngày ấy. Lúc đó, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay, tôi cảm thấy trái tim mình như đập mạnh hơn. Tôi đã nghĩ bản thân cần làm gì đó để cuộc sống ổn định hơn, giúp miền nam giải phóng. Chỉ khi đó dân tộc Việt Nam mới thực sự được tự do, hạnh phúc”.
Những ngày sau giải phóng, chúng tôi cùng nhau tham gia xây dựng lại thành phố, từ công việc đồng áng đến việc xây dựng sửa sang nhà cửa, đường phố. Không khí đất nước sau giải phóng vui lắm, tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó.
Bà Cao Thị Hạnh (87 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Những ký ức ông Đạt chia sẻ không chỉ phản ánh niềm vui của một cá nhân mà còn là biểu tượng cho niềm hy vọng của cả một thế hệ. Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Pháp, người dân Hà Nội đã khao khát tự do và độc lập hơn bao giờ hết.
Điều này cũng được ông Nguyễn Văn Tạc (86 tuổi, Hàng Bông) khẳng định: “Hà Nội được giải phóng, tôi nhận ra giá trị của độc lập dân tộc. Ngày 10/10/1954 là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, là minh chứng cho tinh thần không khuất phục của người Việt Nam trước mọi khó khăn thử thách. Đó chính là lý do mà hôm nay, khi nhớ về Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi cảm thấy tự hào và biết ơn không chỉ cho những người đã hy sinh mà còn cho tất cả những ai đã và đang cống hiến cho sự phát triển của Hà Nội, của đất nước”.
Hà Nội rực rỡ cờ hoa nhân dịp 70 năm Giải phóng Thủ đô. |
Những ngày sau giải phóng, cuộc sống của nhân dân bắt đầu có những thay đổi. Bà Hạnh chia sẻ: “Chúng tôi cùng nhau tham gia xây dựng lại thành phố, từ công việc đồng áng đến việc xây dựng sửa sang nhà cửa, đường phố. Chúng tôi học cách sống đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Nhiều năm sau, khi Việt Nam được độc lập hoàn toàn, cuộc sống hằng ngày cũng trở nên sôi nổi hơn với các hoạt động văn hóa, thể thao và các phong trào phường, xã. Không khí đất nước sau giải phóng vui lắm, tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó”.
Bà Hạnh còn chia sẻ thêm ở thời điểm nhiều năm sau khi đất nước độc lập hoàn toàn: “Tôi nhớ những buổi tối đi dạo quanh Hồ Gươm, ăn phở nóng, bánh khúc, bún đậu Hàng Khay. Những kỷ niệm đó luôn làm tôi nhớ về bản sắc văn hóa độc đáo của Hà Nội”.
Ông Đạt (ngoài cùng bên trái) và ông Tạc (thứ hai từ phải sang) cùng nhớ về ký ức xưa. |
Sau 70 năm, Hà Nội đã chuyển mình mạnh mẽ. Những người trẻ của thế hệ hôm nay dù không trải qua chiến tranh, nhưng vẫn cảm nhận được sức sống mãnh liệt của Hà Nội qua từng di tích, từng câu chuyện lịch sử.
Chia sẻ về suy nghĩ và cảm xúc của bản thân về sự kiện lịch sử mùa thu năm 1954 của Thủ đô, bạn Nguyễn Anh Thư (18 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội) nói: “Phần lớn góc nhìn của mình đều đến từ câu chuyện của ông bà, bố mẹ và các tư liệu lịch sử được thầy cô giảng dạy. Khi nghe về sự kiện giải phóng Thủ đô năm 1954, mình cảm thấy rất tự hào. Đó là một cột mốc lịch sử vĩ đại, không chỉ với Hà Nội mà còn với cả dân tộc. Dù mình không trực tiếp trải nghiệm thời kỳ đó, nhưng qua các câu chuyện, hình ảnh và những tài liệu lịch sử, mình có thể hình dung được không khí hào hùng”.
Tương tự như Thư, Nguyễn Lan Anh (20 tuổi, thành viên Đoàn Thanh niên Trường đại học Ngoại thương) cũng bày tỏ những cảm xúc đặc biệt: “Mặc dù mình chỉ mới lên Hà Nội để học tập nhưng mình luôn dành tình cảm đặc biệt cho thành phố nhộn nhịp này. Mình cảm thấy vô cùng biết ơn các thế hệ ông cha đi trước đã chiến đấu vì độc lập dân tộc, để hiện tại chúng mình có một Hà Nội đẹp như vậy”.