Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)

“Giáo trình nhỏ” sống với Hà Nội

Chút băn khoăn cá nhân, vì sao vào các dịp kỷ niệm ngày giải phóng và các hoạt động tiếp quản Thủ đô, thì Hà Nội lại thường được nhắc nhớ và liên hệ rất rộng bằng niềm yêu thương dồi dào đến thế?
Bức tranh “Xem mưa” của Nguyễn Anh Vũ trong cuốn sách (2014, 59x78cm).
Bức tranh “Xem mưa” của Nguyễn Anh Vũ trong cuốn sách (2014, 59x78cm).

1/Đó là nhìn lại cả nghìn năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Là nâng niu cả những giá trị văn hóa mảnh đất thiêng liêng và bản sắc con người thanh lịch. Chứ không riêng niềm trân trọng 9 năm kháng chiến trường kỳ dẫn đến ngày Hà Nội về với chính quyền cách mạng.

Nguyên cớ, cũng từ góc nhìn cá nhân: Ấy là bởi nghìn năm trước, cuộc dời đô mùa thu từ Hoa Lư về Đại La cho đến nay vẫn chưa được xác định thời điểm cụ thể. Vì thế mà kỷ niệm ngày thu 10/10 cách mạng-kháng chiến hằng năm cũng là kỷ niệm và tôn vinh văn hóa, văn hiến truyền đời. Nhiều điều hay, nét đẹp những trăm năm và nhiều chục năm qua đã định hình, tỏa sáng trong đời sống của Hà Nội phát triển, Hà Nội văn hóa, Hà Nội nghệ thuật và Hà Nội đời thường được nói lên, kể lại để mà bảo nhau giữ gìn, thấm tỏa cho sâu rộng. Cuốn sách “Ngủ giữa hoa sen” gồm thơ, truyện ngắn, tản văn và một số tranh, minh họa của thi sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Anh Vũ (1974-2023) vừa được NXB Hội nhà văn ấn hành dịp này, cũng chính là mang một ý nghĩa như thế.

2/Những trang viết có khi thanh thoát, nhẹ nhàng, có lúc sảng khoái, sôi nổi, tác giả thường trau chuốt bằng từ ngữ đẹp, gợi tả đa dạng về hình, sắc, tiếng, thanh âm và những suy tư ý nhị được viết nên từ một người sinh ra, lớn lên trong phố cổ Hà Nội. Dù vài lần chuyển nơi ở ra dần vòng ngoài khu vực “lõi” này nhưng vẫn không hề xa xôi cả về khoảng cách lẫn con người và tâm hồn quyến luyến. Bằng những gì kể trong sách, Nguyễn Anh Vũ trước, sau, bao năm sống, hành trình và cho đến cuối đời, vẫn thiết tha, hào hứng với một cuộc sống Hà Nội. Anh kể cái thú làm bún ốc, ăn bún ốc dịp Tết khi đã ngán ngấy những mỡ thịt; anh nhớ chị bán rau sống ở chợ Hàng Bè, cả xảo rau to mấy chục loại, thức nào sạch tươi thức ấy, lấy chuẩn rau loại nào ăn với món gì cho khách; anh tả cỗ thang cuốn chi li tài tình từ lúc người bà tráng tờ “giấy trứng” mỏng trong như thổi bay được; anh tỉ mỉ so sánh, phối hoa mầu gì với bình gốm, vại, lọ ra sao; anh nhớ vùng ánh sáng huyền thoại tỏa ra từ cây đèn kéo quân người bố thức trắng đêm làm cho con sau phút “mè nheo” ban chiều ở phố Hàng Mã… Những tên tản văn nghe đã gợi hình, gợi cảnh, để đi vào là mở ra một quá khứ, một thế giới mà vật chất hòa điệu với tinh thần, xúc cảm: “Đĩa cốm xào cho tròn thu Hà Nội”, “Chuyện chăn chuyện gối một thời”, “Tâm tư phe vé”, “Trông xuân nhớ những dinh dào”…

Với Vũ, dù sự trải nghiệm và thấm nhận những điều đó chỉ trong vài chục năm, nhưng anh hiểu rằng, đó đã là trầm tích của sử thiêng, của tập quán trăm năm và đời người muôn nỗi. Vì thế mà đọc chuyện món ăn, cùng bày ngắm lá hoa, theo chân lang thang “bát phố” trong sương, trong gió lạnh của tác giả…, để ta còn thấy, còn cảm, còn nâng niu cái phong thái sống trang nhã, lịch thiệp; nếp sống chỉn chu, thu vén nhưng vẫn giữ cái cốt tinh tế, duy mỹ; tinh thần sống lạc quan, hài hòa, thuần hậu, trước sau mà rất nhiều con người trên đất này gieo lại cho ta. Điều đó, quý thay, không chỉ riêng các văn nghệ sĩ, học giả, bậc tài danh mà có ở trong rất nhiều người dân bình thường, người lao động, người trong muôn người không quen mà ta có thể thấy trên phố, nhìn ở chợ, gặp trong một gia đình nào đó.

3/Đọc những trang viết Nguyễn Anh Vũ, lại càng cảm thấy sự cần thiết, đặc sắc của một tinh thần mà thời gian qua, chính chủ trương lớn của nước nhà đã nhấn mạnh, trong dòng chảy chấn hưng văn hóa bấy nay. Đại ý, không đợi đến khi giàu về kinh tế mới lo củng cố về văn hóa. Mà vun đắp “phần hồn” từ sớm trong các hoàn cảnh kinh tế, xã hội khác nhau. Chính Hà Nội Tràng An như nhiều người đã biết, đã tôn vinh và nay, Hà Nội qua những trang viết, câu kể của Nguyễn Anh Vũ đã khẳng định điều này.

“Cuốn sách cuộc đời” của Nguyễn Anh Vũ, với gần 30 tản văn Hà Nội, còn “hồi lại” cùng bạn đọc 4 truyện ngắn đặc sắc của anh: “Cửa Bắc”, “Ngủ giữa hoa sen”, “Bến chờ xe bus”, “Biên niên phố 198x”, cùng gần 30 bài thơ và những bức tranh phảng phất phận người, dòng đời. Không gian sáng tạo của Vũ trong bao quát có cụ thể; từ nét mầu, hình khối thân gần mở ra ý tứ xa xôi mà thắm thiết. Những truyện, tản văn, thơ và tranh ấy đều từ một người trai Hà Nội muốn sống đẹp, sống kỹ, sống tinh và sống tình cảm dù ở mỗi chặng khác nhau của cuộc đời và thời cuộc. Đó, cũng như bao trang văn tài hoa khác của những ngòi bút đã thành danh, chính là là một “giáo trình nhỏ” bằng văn hóa và trải nghiệm một đời người cho những người sống ở Hà Nội.