Tạo sức bật mới cho đô thị Hà Nội

70 năm sau ngày giải phóng, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính và 7 lần phê duyệt quy hoạch chung. Đây là nền tảng giúp Thủ đô chuyển mình phát triển, đón nhận những thời cơ, vận hội mới.
Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: SONG ANH
Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: SONG ANH

Thành phố trong Thủ đô

Thủ đô Hà Nội sau khi hợp nhất năm 2008 được mở rộng với diện tích tự nhiên khoảng 334.470 ha (tăng 3,63 lần), dân số tăng 1,87 lần, với 30 quận, huyện, thị xã; đến nay, áp lực về quy mô đất đai, dân số, lao động lên hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị, giao thông toàn thành phố là rất lớn.

Mới đây, chia sẻ tại hội thảo “Thủ đô Hà Nội - 70 năm sự nghiệp quy hoạch - Kiến trúc và phát triển đô thị (1954 - 2024)”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đã nghiên cứu xây dựng 5 trục không gian phát triển; xây dựng các thành phố thuộc Thủ đô, xây dựng trục không gian sông Hồng, sông Đuống là trục trung tâm cảnh quan, văn hóa, dịch vụ vùng lõi, xây dựng thêm sân bay quy mô quốc tế tại phía nam thành phố... Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác lập, phê duyệt các quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung, đồng thời, hoàn chỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 xác định cấu trúc đô thị TP Hà Nội theo mô hình mạng lưới đô thị bao gồm: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn sinh thái, 9 thị trấn huyện lỵ; duy trì các vùng nông thôn (hành lang xanh) là các vùng đệm giữa các đô thị hạn chế mở rộng đô thị theo mô hình “vết dầu loang” cải thiện môi trường sinh thái cho khu vực đô thị. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhìn nhận, sau hơn 10 năm triển khai quy hoạch, Hà Nội chưa hình thành được cấu trúc đô thị vệ tinh, không đạt mục tiêu đô thị hóa; các phân khu đô thị không có chức năng rõ ràng, chưa khai thác được thế mạnh sẵn có.

Đô thị bên sông

Để phát triển Thủ đô Hà Nội theo mô hình đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, TS Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc UN-Habitat Việt Nam đề xuất: Hà Nội là thành phố di sản quan trọng, vì vậy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Thủ đô phải được coi là tài sản xã hội, giúp nâng cao bản sắc của một đô thị, đóng góp nâng cao chất lượng sống và kinh tế đô thị. Tái phát triển đô thị Hà Nội cần kết nối việc cải tạo khu trung tâm cũng như các khu ở ven đô, cải tạo hệ sinh thái sông hồ và không gian công cộng. Đặc biệt, phải xem xét khai thác không gian phát triển dọc sông Hồng như một trục phát triển sinh thái của Hà Nội.

Ngày 25/3/2022, Hà Nội phê duyệt đề án phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11 nghìn ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn phường Chương Dương và phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm với diện tích khoảng 23 ha và một phần (khoảng 1 ha) thuộc địa phận quận Long Biên. Sông Hồng được xác định là một trong 5 trục quan trọng với định hướng phát triển là không gian xanh, cảnh quan trung tâm của thành phố, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng: Định hướng này sẽ là điểm tựa để đưa con sông Hồng chảy giữa lòng Thủ đô trở thành điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai. Vì vậy, việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch của Thủ đô là giải pháp mang tính đột phá khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng.

Cùng quan điểm trên, KTS Marco Buinhass, Giám đốc thiết kế Công ty tư vấn Quốc tế enCity cho rằng, Hà Nội cần sử dụng và phát huy giá trị bãi giữa sông Hồng. Những dòng sông, đặc biệt là sông Hồng sẽ đóng vai trò như nguồn lực chính để bù đắp những thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu hướng tới sự phát triển. Chuyên gia này nêu ra “phác đồ” 3 bước gồm tái sinh hệ sinh thái, tái hợp con người với dòng sông và tái tạo cơ hội. Theo đó, phục hồi sinh thái là bước đầu tiên hướng tới tầm nhìn về hành lang sông Hồng như một vùng giảm nhẹ lũ lụt, cải thiện chức năng sinh thái và khai thác tiềm năng của một trục phát triển xanh cho trung tâm Hà Nội.

Hiện, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 10. Trong đó, đã nghiên cứu giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, bổ sung những điều kiện phát triển mới. Với những cơ chế, chính sách mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực, kỳ vọng Thủ đô sẽ chuyển mình phát triển trong giai đoạn tới.