Kỳ 1: Không đơn thuần là tên gọi
Ngược xuôi trên các nẻo đường Hà Nội, những cung đường quen thuộc đã in sâu trong nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người, nhưng mấy ai biết đến chuyện chưa được kể về con phố mang tên danh nhân văn hóa. Không đơn thuần là tên đường, tên phố mà còn là những biểu tượng đẹp về chân dung, cuộc đời của những người góp phần tạo dựng giá trị văn hóa, tinh thần cho dân tộc. Đằng sau biển tên những con phố còn là hành trình nỗ lực của gia đình các danh nhân và các sở, ban, ngành trong việc tôn vinh giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của đất nước.
Da diết những tên gọi thân thương
Nếu chỉ biết đến chức năng chỉ dẫn địa lý, xác định khu vực, có lẽ ta đã bỏ lỡ nhiều câu chuyện xúc động của những người trong cuộc về tên gọi của những đường phố. Phố Nguyễn Huy Tưởng nối từ phố Vũ Trọng Phụng cắt ngang qua phố Nguyễn Tuân đến đường Khuất Duy Tiến được HĐND thành phố Hà Nội đặt tên vào năm 1995. Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà thơ Nguyễn Huy Tưởng đã bộc bạch những câu chuyện về cha của mình với lòng biết ơn sâu sắc nhất.
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất về cha, đó là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhà báo Nguyễn Hữu Đang làm đại diện cho giới văn hóa, văn nghệ tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đó là Hội nghị do Việt Minh, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước”, NNC Nguyễn Huy Thắng kể: “Trong khi nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã đến Tân Trào dự họp, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vẫn còn đang trên đường, chưa kịp đến nơi thì đại hội đã được tiến hành vì lúc đó phong trào đang rất gấp rút. Các đại biểu nào chưa đến nơi được lệnh quay về để tham gia công tác Tổng khởi nghĩa tại quê hương. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mau chóng trở về Hà Nội để gia nhập vào cuộc cách mạng của giới văn hóa, văn nghệ Thủ đô. Đó là năm 1945, khi đó nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ngoài 30”.
“Đó không chỉ là một con phố. Đối với tôi, đó là một biểu tượng, một sự tri ân dành cho những gì cha tôi đã cống hiến cho nền văn học và cách mạng Việt Nam”, NNC Nguyễn Huy Thắng xúc động chia sẻ.
Trước đây, TP Hồ Chí Minh đã có tên đường Nguyễn Huy Tưởng ở quận Bình Thạnh. Đến năm 1995, TP Hà Nội quyết định đặt tên một số danh nhân cho các con đường của Thủ đô. Khi nghe tin đó NNC Nguyễn Huy Thắng luôn mong ngóng người ta đã đặt biển hay chưa để có thể đưa mẹ mình về chụp bức ảnh. Khi phố Nguyễn Huy Tưởng chính thức được đặt tên, ông đã dọn về sống ở một căn hộ ngay trên con phố như một cách để tiếp tục kết nối với người cha đã đi xa từ hồi ông mới 5 tuổi.
Những ngày cuối năm 2023, đầu năm 2024 khi sắc xuân đã ngập tràn khắp phố phường Hà Nội, một con phố mang tên nhà báo, nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm (1917-1950, tên thật là Nguyễn Tuấn Trình) được khánh thành. Ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai nhà thơ nhớ như in tất cả dấu mốc quan trọng về cuộc đời của cha từ khi nhà thơ Thâm Tâm sinh ra, lớn lên, trưởng thành, cống hiến và đi về cõi sáng. Trong hành trình nỗ lực tìm lại những di sản văn chương của cha, ông Nguyễn Tuấn Khoa luôn đau đáu những nỗi niềm về những gì cha ông để lại, không chỉ là “Tống biệt hành”, “Chiều mưa đường số 5” hay “nghi án” văn chương “Hai sắc hoa ti gôn”... Ông xúc động kể về chặng đường lên đường vào bộ đội, trở thành một thành viên trong Ban Chấp hành Hội văn nghệ cứu quốc, những cống hiến của người nghệ sĩ-chiến sĩ Thâm Tâm và cả sự linh thiêng trong hành trình tìm mộ của cha mình.
Việc đặt tên phố Thâm Tâm có ý nghĩa vô cùng to lớn với gia đình nhà thơ. Ông Khoa bùi ngùi tâm sự: “cha tôi đã ra đi vào những ngày đầu kháng chiến. Ông trở về lần nhất với sự ra đời bài thơ “Chiều mưa đường số 5” thời chống Pháp. Trở về lần hai, khi gia đình tìm về ngôi mộ cũ, lấy một nắm đất bọc vào lá cờ Tổ quốc mang về để lên bàn thờ. Và trở về lần thứ ba khi đặt tên phố Thâm Tâm ở Hà Nội…”.
Không chỉ người Hà Nội mến mộ tài năng của nhà thơ mà còn có một tuyến phố ở Hải Dương, quê hương ông cũng lấy tên gọi khi nhà thơ sinh ra và lớn lên ở quê hương và khi đi khỏi Hải Dương, đó là phố Nguyễn Tuấn Trình. Và tại TP Cao Bằng, mảnh đất nơi nhà thơ chiến đấu cũng đã thêm tên Thâm Tâm vào ngân hàng tên phố.
Kỹ càng, cẩn trọng - tôn chỉ trong quy trình đặt tên
Đặt tên đường phố Hà Nội không phải chỉ là một công việc hành chính đơn thuần, mà còn là trọng trách văn hóa. Mỗi đường phố mang tên một danh nhân là sự kết tinh của tâm huyết và lòng kính trọng đối với những người đã có công với đất nước. Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội với tôn chỉ “kỹ càng và cẩn trọng”, đã thực hiện nghiêm ngặt các bước trong quy trình xây dựng Nghị quyết trình HĐND thành phố đặt tên đường phố Hà Nội.
Trước hết, Sở có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã để lập danh mục đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên hoặc sửa đổi hằng năm theo quy định. Tiếp đó, liên kết chặt chẽ giữa Sở VHTT, các Sở Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, phối hợp UBND và các phòng ban chuyên môn của địa phương thành lập tổ khảo sát liên ngành, đánh giá hiện trạng các đường, phố và công trình công cộng theo danh mục đã lập…
Tiếp theo là thu thập, tổng hợp thông tin; Tổ chức họp Hội đồng tư vấn đặt tên; Xin ý kiến đồng thuận của địa phương; Sở Tư pháp thẩm tra dự thảo Nghị quyết; Báo cáo tập thể UBND thành phố; Công bố công khai lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên Cổng thông tin điện tử thành phố về dự thảo Nghị quyết. Ban cán sự đảng Ủy ban thành phố báo cáo xin ý kiến Thường trực Thành ủy; xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau đó mới hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết, báo cáo các ban HĐND thành phố, rồi trình HĐND thành phố thông qua và ban hành Nghị quyết.
Sau khi có Nghị quyết này, UBND thành phố sẽ ban hành Quyết định thực hiện Nghị quyết, trong đó giao các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã có tuyến đường, phố và công trình công cộng mới được đặt tên tổ chức gắn biển tên đường, phố, ngõ, số nhà, thực hiện công tác tuyên truyền, phát huy giá trị.
Có thể thấy, để đặt được tên cho tuyến đường, phố mới cần một quá trình làm việc kỹ càng về mọi mặt. Trong quá trình thực hiện công việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng, đôi khi cũng sẽ xuất hiện những khó khăn nhất định. Nhưng như đại diện lãnh đạo Sở VHTT khẳng định: “Chúng tôi coi đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự, không coi đó là sự vất vả”, bởi cái tên của con đường đó từ nay về sau sẽ vẫn ở đó, ghi danh những đóng góp của lịch sử.
Được biết, việc xây dựng ngân hàng tên phố, trong đó có tên các danh nhân được chú trọng từ việc lập hồ sơ tư liệu thông qua nhiều nguồn như tư liệu ở các thư viện, trung tâm lưu trữ, các sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó là điều tra, khảo sát tại cơ sở, thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn tư liệu cổ như văn bia, sắc phong, gia phả dòng họ hoặc những nơi còn lưu giữ những thông tin về danh nhân. Cơ quan văn hóa cũng xem xét hồ sơ của danh nhân được gửi kèm theo văn bản, đơn đề nghị đặt tên đường phố của các bộ, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, cơ quan, các tổ chức xã hội, dòng họ hay cá nhân. Ngân hàng mang tên danh nhân phải có tính khoa học, chính xác nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính.
Theo đơn vị chuyên môn của Sở VHTT Hà Nội, Quỹ tên đường, phố và công trình công cộng của Hà Nội trong ngân hàng tên được xếp theo thứ tự ABC, bao gồm bốn loại: Tên địa danh lịch sử của Hà Nội; Tên những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và Thủ đô và các dạng tên khác có ý nghĩa tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa của Thủ đô và của cả nước; Tên các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng các cấp; Tên danh nhân. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, do vậy Ngân hàng tên Danh nhân được chú trọng xây dựng hồ sơ tư liệu về các danh nhân mang chiều kích quốc gia, những danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và Thủ đô; hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.
(Còn nữa)