Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội về tiến độ triển khai dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô cho biết, đến cuối tháng 10/2024, thành phố đã phê duyệt và thu hồi 98,15% diện tích cần thu hồi của dự án, hoàn thành xây dựng hạ tầng toàn bộ 13 khu tái định cư và đã bố trí tái định cư cho 337/818 hộ dân.
Bảo đảm tiến độ dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô
Dù trên phạm vi tuyến còn nhiều điểm ngắt quãng, 'xôi đỗ', và còn 19 đoạn chưa được bàn giao mặt bằng với chiều dài khoảng 4,38km, song chủ đầu tư khẳng định sẽ phối hợp với địa phương phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2024, hoàn thành di chuyển hạng mục hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi trong quý IV/2024.
Về tiến độ dự án thành phần 2.1 (làm đường đô thị song hành), sau 15 tháng kể từ ngày khởi công, các nhà thầu đồng loạt triển khai 4 gói thầu xây lắp trên phần diện tích mặt bằng đã bàn giao, với 32 mũi thi công (gồm 23 mũi làm đường, 9 mũi làm cầu).
Hiện các nhà thầu đang xử lý nền đất yếu, cầu và thi công hạng mục thảm bê-tông nhựa. Sản lượng đến nay đạt khoảng 36,86%. Dự kiến hoàn thành dự án vào quý IV/2025.
Với dự án thành phần 3 (làm đường cao tốc trên cao), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đang phối hợp đóng dấu thẩm định, phát hành kèm theo hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến quý II/2025 khởi công.
Trường hợp không có nhà đầu tư đáp ứng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông sẽ đề xuất thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư công.
Về công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua Hà Nội, theo chủ đầu tư, để có thể hoàn thành dự án đường song hành trong năm 2025, công tác giải phóng mặt bằng phải được các địa phương hoàn thành toàn bộ trong năm 2024. Do đó, cần ưu tiên bàn giao đối với các hạng mục đường găng tiến độ của dự án như móng cột cao thế, xử lý đất yếu.
Đối với việc giải phóng mặt bằng đất ở, hiện nay, khối lượng mặt bằng còn lại chủ yếu là đất ở trên địa bàn 5 quận, huyện: Hà Đông, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai gặp khó khăn do vướng mắc khi áp dụng Luật Đất đai ngày 18/1/2024 và các quy định hiện hành. Cùng đó là các khó khăn liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất, chênh lệch lớn giữa giá ở đầu đi, đầu đến...
Do vậy, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường tiếp tục chủ trì, nghiên cứu chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định, đảm bảo thống nhất toàn bộ dự án.