Hà Nội khai trương 2 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại huyện Thanh Oai và Mỹ Đức

Ngày 13/12, Sở Công thương Hà Nội phối hợp UBND huyện Thanh Oai và Mỹ Đức (Hà Nội) tổ chức khai trương 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)" trên địa bàn 2 huyện này.

Các đại biểu tham quan Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).
Các đại biểu tham quan Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thanh Oai bố trí tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng. Đây là đơn vị có hai sản phẩm Gạo Nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7 được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài 2 sản phẩm này, Hợp tác xã trưng bày các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện và quảng bá đến người tiêu dùng, khách du lịch về du lịch văn hóa, danh thắng trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện Thanh Oai có tiềm năng lớn trong hoạt động sản xuất nông sản, thực phẩm với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã có 31 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP và đang hoàn thiện hồ sơ để đánh giá hơn 20 sản phẩm trong tháng 12/2021.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mỹ Đức được bố trí tại Công ty TNHH Dệt May Thành Long, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP huyện Mỹ Đức, quảng bá đến người tiêu dùng, du khách đến với Làng nghề dệt Phùng Xá. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt cho biết, huyện Mỹ Đức có tiềm năng lớn, nhất là các sản phẩm của làng nghề dệt Phùng Xá và các đặc sản của xã Hương Sơn...

Sau buổi khai trương điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, huyện sẽ chú trọng công tác phát triển sản phẩm, phát triển thêm các điểm khác cũng như các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện được tham gia giao lưu, các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao gắn với chương trình phát triển nông thôn mới.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Chương trình OCOP có ý nghĩa lớn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, có tiềm năng phát triển tại khu vực nông thôn, khơi dậy tiềm năng của địa phương, tăng thu nhập cho nhân dân tham gia. Sở Công thương đề nghị UBND hai huyện Thanh Oai và Mỹ Đức tiếp tục quan tâm, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất sản phẩm đặc sản, đặc trưng tại địa bàn đẩy mạnh sản xuất với các mô hình hiệu quả, tham gia xây dựng và phát triển OCOP, điểm bán OCOP.

Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp các địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để giới thiệu, quảng bá hơn 1.600 sản phẩm OCOP của Hà Nội đã được đánh giá, phân hạng.