Hà Nội có nguy cơ thành “điểm nóng” sốt xuất huyết

NDO - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương khuyến cáo, Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết do có mật độ dân số cao, tỷ lệ lây nhanh.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh ở miền bắc

Từ đầu năm tới nay, Việt Nam có hơn 40.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca giảm gần 50%, số ca tử vong giảm 41 trường hợp.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, cho biết, mặc dù số ca bệnh giảm chung trên cả nước và ở miền nam nhưng miền bắc lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái.

"Chỉ trong quý I và quý II, miền bắc ghi nhận đến hơn 1.100 ca, tức là tăng hơn 60% so với năm trước. Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. Hà Nội hiện đang là điểm nóng nhất về sốt xuất huyết dengue ở miền bắc với khoảng 500 ca mắc”, bác sĩ Dũng cho hay.

Theo Tiến sĩ Dũng, Hà Nội có số ca mắc có thể sẽ rất cao, bởi so với cùng kỳ năm ngoái (năm cao lịch sử) thì số ca mắc cũng đạt tới 65%. Thời tiết nóng rất nóng, mưa lại nhiều tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển.

Thời tiết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, mưa sau nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi phát triển rất nhanh, muỗi từ trứng đến trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng.

“Mùa đông hiện tại ở miền bắc cũng không lạnh như trước đây. Do đó, chúng tôi dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch. Thông thường từ tháng 7-11 sẽ tăng lên ca mắc mới”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Hà Nội có nguy cơ thành “điểm nóng” sốt xuất huyết ảnh 1

Bác sĩ Dũng khuyến cáo phương pháp để phòng, chống sốt xuất huyết.

Chu kỳ diễn biến của sốt xuất huyết đã thay đổi

Thời tiết khá thất thường làm ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết. Theo chuyên gia này, hiện tượng El Nino đã thay đổi quá nhiều trong những năm gần đây. Theo chu kỳ cứ 4 tới 5 năm sốt xuất huyết sẽ có kỳ số ca mắc tăng cao. Tuy nhiên, theo ghi nhận 2017, 2019, 2022 số ca mắc đều đạt mức cao. Năm 2022 là năm đỉnh điểm của sốt huyết và ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất lịch sử.

Theo ghi nhận từ đầu năm đến nay, dịch ở miền nam đã giảm hơn năm ngoái nhưng ở miền bắc lại tăng đến 60%. Trong thời điểm từ tháng 4-6, số ca mắc giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên con số 40.000 người mắc từ đầu năm tới nay là không hề nhỏ. "Chúng ta chỉ mới trải qua 6 tháng đầu năm và theo tính toán trong giai đoạn tới diễn biến dịch sẽ ngày càng phức tạp hơn chứ không giảm đi", bác sĩ Dũng cho hay.

Ngoài sự biến đổi của thời tiết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã làm giảm miễn dịch của rất nhiều người dân. Người dân hiện cũng chưa hiểu biết hết về việc phòng, chống muỗi để xử lý triệt để những nơi dễ làm tổ đẻ của muỗi.

Để phòng, chống sốt xuất huyết, Tiến sĩ Dũng khuyến cáo người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại…

"Hiện nay, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Vừa qua, các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur, và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng đã tham mưu Bộ Y tế xây dựng lại hướng dẫn phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Bản hướng dẫn trước đã được Bộ Y tế ban hành khá lâu, từ năm 2014, nên Việt Nam cần một hướng dẫn mới để phù hợp với những diễn biến phức tạp của dịch hiện nay.

Theo đó, các cơ quan tham mưu đã thống nhất đưa ra chính là thành lập "Tổ sốt xuất huyết cộng đồng". Tiến sĩ Dũng cũng cho rằng, mô hình tổ Covid cộng đồng nếu giờ được chuyển sang làm tổ phòng, chống sốt xuất huyết sẽ rất hợp lý.

Cũng theo chuyên gia này, vaccine chữa sốt xuất huyết đang xin thủ tục để đăng ký cấp phép tại Việt Nam, vaccine của một hãng sản xuất thuốc tại Nhật Bản mang lại hiệu quả tốt, vừa qua cũng đã được các nước châu Âu cấp phép.