Theo đó, việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá và thu hoạch… đã góp phần giảm sức lao động trực tiếp, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời hạn chế được tình trạng nông dân bỏ ruộng.
Đặc biệt, việc chuyển đổi biện pháp gieo cấy từ gieo sạ sang cấy máy hoặc cấy tay kết hợp điều tiết nước hợp lý đã hạn chế được cơ bản tình trạng lúa cỏ, lúa mạ trên đồng ruộng, giảm thiệt hại cho nông dân.
Giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân
Tỉnh Hà Nam xác định, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, cơ giới hóa đồng bộ đang trở thành chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng.
Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam
Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam chia sẻ: Thực tế cho thấy, cơ giới hóa đồng bộ đang trở thành chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Chỉ tính khâu cấy lúa bằng máy, theo mặt bằng chung duy trì ở mức 300 nghìn đồng/sào (tính cả tiền giống), trong khi thuê lao động thủ công ở mức bình quân 350 nghìn đồng/ngày công, nơi cao lên đến 400-450 nghìn đồng/ngày. Áp dụng phương pháp này, người dân không mất công làm đất, gieo mạ, nhổ mạ… như cấy thủ công.
Hay sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật dao động từ 25-28 nghìn đồng/sào/lần phun, phun thủ công 35 nghìn đồng/sào. Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Ngay khâu thu hoạch bằng máy chỉ ở mức giá 100-120 nghìn đồng/sào. Khi máy móc được đưa vào giúp hình thành cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Từ việc giảm chi phí sản xuất khi sử dụng máy móc cơ giới nâng cao lợi nhuận lên 15-20% so với làm thủ công trước đây.
Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Quá trình cơ giới hóa trên đồng ruộng của tỉnh Hà Nam trong những năm qua đã thu được những kết quả tích cực.
Đến hết năm 2022, tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp mua 89 máy làm đất, 53 máy gặt đập liên hợp, 11 máy cấy.
Theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đã đạt 100%, khâu cấy máy đạt hơn 15% diện tích, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay đạt khoảng 5% diện tích, thu hoạch lúa 98%, bảo quản sau thu hoạch đạt khoảng 3-5% sản lượng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Đề án "Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023” và Kế hoạch mở rộng diện tích cấy máy giai đoạn 2023-2025.
Đến nay, đề án đã hỗ trợ cho 16 mô hình trình diễn cấy máy, 10 tổ dịch vụ mạ khay. Diện tích gieo cấy bằng máy của tỉnh đã tăng dần qua các năm như: Năm 2021 là 1.252ha chiếm 2,2% diện tích gieo cấy; Năm 2022 là 4.654ha chiếm 8,01% diện tích gieo cấy; vụ Xuân 2023 là 4.598ha đạt 16,2%, dự kiến kế hoạch năm 2023 đạt trên 18% diện tích gieo cấy. Tiếp tục duy trì thực hiện 72 mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 2.000ha theo hướng liền bờ, liền thửa, cùng trà, cùng giống, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân... Các mô hình triển khai đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, vì vậy năng suất lúa cao hơn từ 5-10%, giá trị thu được cao hơn đại trà 5-15 triệu đồng/ha.
Vận chuyển mạ khay, máy cấy tại hợp tác xã Tân Thanh, huyện Thanh Liêm. |
Khắc phục tình trạng bỏ ruộng
Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương tại tỉnh Hà Nam lực lượng lao động làm nông nghiệp ở nông thôn ngày càng giảm, độ tuổi lao động ngày càng tăng, nên những năm trước tại nhiều địa phương trong tỉnh đã có tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng do các gia đình có ruộng nhưng không có nhân lực lao động. Vì vậy, việc đưa cơ giới hóa trong khâu sản xuất lúa bằng gieo mạ phương pháp mạ khay cấy máy trong gia đoạn hiện nay là giải pháp quan trọng giải quyết được vấn đề thiếu lao động làm nông nghiệp như hiện nay, giải quyết tình trạng bỏ hoang ruộng đất ngày một tăng trong những năm gần đây.
Bà Đỗ Thị Tiếp ở thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, chia sẻ: Mấy năm trước nhà tôi neo người, các cháu đi làm công ty, để con nhỏ ở nhà cho ông bà trông đỡ, nên vợ chồng tôi cũng bận muốn làm thêm ruộng mà cũng chẳng làm được, đành cho đỡ người ta làm. Nhưng từ hai năm nay, khi có máy cấy, máy gặt, máy phun thuốc bảo vệ thực vật của hợp tác xã làm dịch vụ thì nhà tôi và nhiều bà con trong thị trấn mới cấy lúa chứ trước đây phải bỏ ruộng hoang nhiều lắm vì không có người làm, rồi lại chi phí đầu vào cao lắm nên nhiều hộ không có người làm là bỏ ruộng không cấy.
Việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp hiện nay là rất phù hợp, nhất là đối với những vùng đang chuyển đổi lao động trong nông nghiệp, nhiều hộ dân vẫn tranh thủ cấy lúa và vẫn làm việc trong các nhà máy.
Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm
Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm đánh giá: việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp hiện nay là rất phù hợp, nhất là đối với những vùng đang chuyển đổi lao động trong nông nghiệp, nhiều hộ dân vẫn tranh thủ cấy lúa và vẫn làm việc trong các nhà máy. Nên từ khi đưa máy cấy về đồng ruộng, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hưởng ứng, hạn chế tối đa tình trạng bỏ ruộng hoang ở địa phương. Đây cũng là giải pháp để hạn chế mất cân đối lực lượng lao động khu vực thành thị và nông thôn. Việc sử dụng máy móc, cơ khí là hướng thu hút lao động trẻ có tay nghề ở nông thôn.
Hướng đến nền nông nghiệp bền vững
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, một số địa phương trong tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng ngon, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; đồng thời đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.
Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao, đã tạo điều kiện thúc đẩy nông dân liên kết hình thành vùng sản xuất lớn, vừa tạo điều kiện doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các tiến bộ kỹ thuật trong đó có khâu cơ giới hóa trên đồng ruộng. Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đầu tư cải tiến máy móc thiết bị, phục vụ nông nghiệp phù hợp với từng vùng sản xuất. Nông dân có tinh thần học hỏi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sáng tạo thúc đẩy phát triển cơ giới hóa trong sản xuất.
Những năm gần đây, một số địa phương trong tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng ngon, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; đồng thời đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả chương trình cơ giới hóa trên đồng ruộng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cùng với những vấn đề về cơ chế, chính sách, vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại của cấp ủy, chính quyền cơ sở, ngành chức năng và người nông dân. Tỉnh Hà Nam cần tập trung hướng đến các khâu từ thu hoạch, đến gieo trồng, bảo vệ thực vật… Đây đều là các loại máy móc, thiết bị đòi hỏi chi phí lớn.
Giới thiệu máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật. |
Để đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết: Các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch tích hợp, trong đó cần xác định vùng sản xuất lúa tập trung để tiếp tục hoàn thiện, củng cố, phát triển mô hình cánh đồng mẫu gắn với xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất trên đồng ruộng phù hợp, như: Hệ thống thủy lợi, đường nội đồng… Tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong điều hành các dịch vụ, chỉ đạo sản xuất trên địa bàn. Thành lập các tổ hợp, hợp tác xã chuyên ngành làm dịch vụ về mạ khay, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay... Từ đó, tạo sự chủ động trong quá trình đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất. Có như vậy, việc đưa máy móc cơ giới đồng bộ vào đồng ruộng mới được triển khai hiệu quả, giúp giảm chi phí, nhân lực, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, triển khai về chính sách hỗ trợ vốn vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Trung ương. Thực hiện công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật như Chương trình Khuyến nông cần quan tâm xây dựng các mô hình chuyển giao các công nghệ máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất.
Đối với bà con nông dân cần vận dụng kịp thời và hiệu quả các chủ trương chính sách hiện có để tạo nguồn lực cho ứng dụng và thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất có kết quả cao. Mạnh dạn liên kết để hình thành các hợp tác xã để tăng quy mô vùng sản xuất và hình thành các tổ,nhóm dịch vụ cơ giới hóa các khâu làm đất, cấy máy tưới nước, chăm sóc, bón phân và thu hoạch phù hợp với từng vùng sản xuất hàng hóa lớn, thiếu lao động.