Hà Nam cơ giới hóa trong sản xuất lúa

Hà Nam có tổng diện tích gieo trồng lúa hơn 58.000 ha/năm; sản lượng hơn 363.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 2.278 tỷ đồng, chiếm 64,4% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng) thu hoạch lúa.
Người dân xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng) thu hoạch lúa.

Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào đồng ruộng, qua đó góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề lúa cỏ và tình trạng bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp.

Thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023”, đến nay, tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ cho 16 mô hình trình diễn cấy máy, 10 tổ dịch vụ mạ khay. Diện tích gieo cấy bằng máy của tỉnh đã tăng dần qua các năm.

Sôi nổi hội thi Vận hành máy cấy giỏi

Để động viên nông dân hăng hái xuống đồng gieo cấy vụ xuân, ngay trong những ngày đầu xuân mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thi Vận hành máy cấy giỏi tỉnh Hà Nam và trình diễn máy làm đất, máy cấy, máy bay ứng dụng công nghệ không người lái trong sản xuất nông nghiệp.

Trên cánh đồng Dây Hai, thôn Nội, xã Đồng Du, huyện Bình Lục trong những ngày đầu xuân, tiếng máy cấy rộn vang. Người dân làng trên xóm dưới nô nức đổ ra đồng để hòa cùng không khí vui tươi phấn khởi của hội thi. Tham gia hội thi có 10 đội đến từ các địa phương trong tỉnh, mỗi đội thi có 3 người tham gia vận hành máy cấy.

Các đội thi thực hiện cấy trên diện tích 1.800m2 (tương đương 5 sào ruộng). Quá trình thi, các đội phải bảo đảm theo những tiêu chí chấm điểm của Ban giám khảo, gồm: Độ đồng đều giữa các hàng cấy (khoảng cách các khóm lúa); tỷ lệ độ chụm của khóm cấy; thời gian hoàn thành diện tích.

Có mặt từ rất sớm trên cánh đồng Dây Hai để tham dự hội thi, chị Đinh Thị Chiêm, ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục, vui vẻ cho biết: “Gia đình nhà tôi tuy mới cấy máy vụ này là vụ thứ hai, nhưng tôi thấy dịch vụ mạ khay, cấy máy trọn gói này thật sự rất hiệu quả, giảm hẳn ngày công lao động, không có cỏ ma, năng suất vẫn được bảo đảm. Đó là lý do mà tôi và nhiều gia đình sẽ tiếp tục cấy máy vào những vụ sau”.

Nhận thấy hiệu quả rõ rệt, nhiều người dân đã chuyển sang cấy mạ khay, cấy máy. Các hộ đồng thuận giao lại tổng diện tích gieo cấy toàn thôn cho trưởng thôn đứng lên ký hợp đồng thuê với tổ dịch vụ của hợp tác xã để tổ chức cấy, sau đó giao lại diện tích lúa đã cấy cho các hộ nhận về chăm sóc.

Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam đánh giá: Hội thi Vận hành cấy máy giỏi và trình diễn máy làm đất, máy cấy, máy bay ứng dụng công nghệ không người lái trong sản xuất nông nghiệp là dịp để người dân nắm bắt các chủ trương, chính sách và giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; qua đó tư vấn, khuyến cáo nông dân mạnh dạn liên kết sản xuất để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tăng quy mô vùng sản xuất và hình thành các tổ, nhóm dịch vụ cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy máy, tưới nước, chăm sóc đến thu hoạch; hỗ trợ tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ổn định, bền vững kết hợp với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Giải quyết vấn đề thiếu lao động trong sản xuất

Vụ xuân này, gia đình bà Phan Thị Viễn, ở thôn Gốm, xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng cấy hơn một mẫu ruộng. Tuy nhiên, bà Viễn không phải chạy đôn chạy đáo lo tìm người cấy thuê cho kịp khung thời vụ như những vụ trước. Từ khi có tổ máy cấy của hợp tác xã, gia đình bà cũng như nhiều gia đình khác trong xã cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi đến ngày vụ. Bà Viễn nhẩm tính, cấy máy còn giảm được khá nhiều tiền chi phí cho phòng, trừ sâu bệnh, cỏ ma và năng suất lại cao hơn cấy tay thông thường từ 10-15%.

Nắm bắt được tình hình thường xuyên thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, ông Phan Văn Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng luôn trăn trở, tìm cách để khắc phục tình trạng thiếu lao động tại địa phương hiện nay. Ông Thủy cho rằng: Người lao động làm nông nghiệp hiện nay đang rất thiếu hụt, do năng suất ngày công lao động không cao, cho nên chỉ có phần lớn lao động lớn tuổi không có đủ điều kiện đi làm tại các doanh nghiệp thì mới gắn bó với nghề nông. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa hiện nay là rất phù hợp với điều kiện thiếu hụt lao động làm nông nghiệp, bảo đảm được ổn định lương thực cho xã hội, tránh tình trạng bỏ hoang ruộng đất nông nghiệp.

Thời gian qua, việc triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng của tỉnh Hà Nam đã thu được những kết quả tích cực. Các địa phương trong tỉnh đã được hỗ trợ tổng số 153 máy cơ giới (gồm có 89 máy làm đất, 53 máy gặt đập liên hợp, 11 máy cấy).

Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đã đạt 100%, khâu cấy máy đạt hơn 15% diện tích, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái đạt khoảng 5% diện tích, thu hoạch lúa đạt khoảng hơn 90%, bảo quản sau thu hoạch đạt khoảng 3-5% sản lượng.

Diện tích gieo cấy bằng máy của tỉnh đã tăng dần qua các năm: Năm 2021 là 1.252 ha chiếm 2,2% diện tích gieo cấy; năm 2022 là 4.654 ha chiếm 8,01% diện tích gieo cấy; năm 2023 diện tích cấy máy toàn tỉnh là 9.644 ha (đạt 192,9% so với kế hoạch), chiếm 16,8% diện tích gieo cấy toàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện 72 mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 2.000 ha theo hướng liền bờ, liền thửa, cùng trà, cùng giống, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân... Các mô hình triển khai đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, vì vậy năng suất lúa cao hơn từ 5-10%, giá trị thu được cao hơn đại trà từ 5-15 triệu đồng/ha.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết: Trước tình hình biến đổi khí hậu gây bất lợi, chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, cùng với số lao động làm nông nghiệp ngày càng giảm, để người trồng lúa bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm mạ, cấy, chăm sóc đến thu hoạch gắn với bộ giống lúa chất lượng cao đang là đòi hỏi bức thiết.

Việc thực hiện cơ giới hóa là xu thế tất yếu, giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trên đồng ruộng nói riêng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% diện tích cấy máy nhằm giảm chi phí vật tư, giải phóng sức lao động và tăng năng suất lúa trên cùng diện tích canh tác, thay đổi thói quen canh tác manh mún lạc hậu .