Hà Nam cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa

Tỉnh Hà Nam có diện tích trồng lúa khoảng 29.000ha/vụ; sản lượng thóc 363.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 2.278 tỷ đồng, chiếm 64,4% giá trị trồng trọt. Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, đem lại hiệu quả cao.
0:00 / 0:00
0:00
Máy cấy của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm.
Máy cấy của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm.

Việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân và thu hoạch… đã góp phần giảm sức lao động trực tiếp, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng.

Chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Của chia sẻ: Thực tế cho thấy, cơ giới hóa đồng bộ đang trở thành chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Chỉ tính khâu cấy lúa bằng máy, theo mặt bằng chung duy trì ở mức 300.000 đồng/sào (tính cả tiền giống), trong khi thuê lao động thủ công ở mức bình quân 350.000 đồng/ngày công, nơi cao lên đến 400.000- 450.000 đồng/ngày. Áp dụng phương pháp này, người dân không mất công làm đất, gieo mạ, nhổ mạ… như cấy thủ công.

Hay sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật dao động từ 25.000-28.000 đồng/sào/lần phun, trong khi phun thủ công 35.000 đồng/sào. Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Ngay khâu thu hoạch bằng máy chỉ ở mức giá 100.000-120.000 đồng/sào.

Khi máy móc được đưa vào giúp hình thành cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Việc giảm chi phí sản xuất khi sử dụng máy móc giúp nâng cao lợi nhuận lên 15-20% so với làm thủ công trước đây.

Ðến hết năm 2022, tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp mua 89 máy làm đất, 53 máy gặt đập liên hợp, 11 máy cấy. Theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đã đạt 100%, khâu cấy máy đạt trên 15% diện tích, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay đạt khoảng 5% diện tích, thu hoạch lúa 98%, bảo quản sau thu hoạch đạt khoảng 3-5% sản lượng. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Ðề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023” và Kế hoạch mở rộng diện tích cấy máy giai đoạn 2023-2025.

Ðến nay, tỉnh đã hỗ trợ cho 16 mô hình trình diễn cấy máy, 10 tổ dịch vụ mạ khay. Diện tích gieo cấy bằng máy của tỉnh đã tăng dần qua các năm như: Năm 2021 là 1.252ha chiếm 2,2% diện tích gieo cấy; năm 2022 là 4.654ha chiếm 8,01% diện tích gieo cấy; vụ xuân 2023 là 4.598ha đạt 16,2%, dự kiến kế hoạch năm 2023 đạt trên 18% diện tích gieo cấy. Tiếp tục duy trì thực hiện 72 mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích trên 2.000ha theo hướng liền bờ, liền thửa, cùng trà, cùng giống, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân...Các mô hình triển khai đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, vì vậy năng suất lúa cao hơn từ 5-10%, giá trị thu được cao hơn đại trà 5-15 triệu đồng/ha.

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Ðể phát huy hiệu quả chương trình cơ giới hóa trên đồng ruộng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cùng với những vấn đề về cơ chế, chính sách, vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại của cấp ủy, chính quyền cơ sở, ngành chức năng và người dân.

Các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch tích hợp, trong đó cần xác định vùng sản xuất lúa tập trung để tiếp tục hoàn thiện, củng cố, phát triển mô hình cánh đồng mẫu gắn với xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất trên đồng ruộng phù hợp. Tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong điều hành các dịch vụ, chỉ đạo sản xuất trên địa bàn. Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành làm dịch vụ về mạ khay, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái... Từ đó, tạo sự chủ động trong quá trình đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất. Có như vậy, việc đưa máy móc cơ giới đồng bộ vào đồng ruộng mới được triển khai hiệu quả, giúp giảm chi phí, nhân lực, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.

Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam

Các khâu từ thu hoạch, đến gieo trồng, bảo vệ thực vật… đều cần các loại máy móc, thiết bị có chi phí lớn. Cụ thể, để đầu tư một máy gặt đập liên hợp cần kinh phí 400-600 triệu đồng; máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật chi phí khoảng 500-600 triệu đồng/chiếc… Chính vì vậy, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ vốn vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Trung ương.

Thực hiện công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật như Chương trình khuyến nông cần quan tâm xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất. Ðối với nông dân cần vận dụng kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách hiện có để tạo nguồn lực cho ứng dụng và thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất có kết quả cao. Mạnh dạn liên kết để hình thành các hợp tác xã nhằm tăng quy mô vùng sản xuất và hình thành các tổ, nhóm dịch vụ cơ giới hóa các khâu làm đất, cấy máy, tưới nước, chăm sóc, bón phân và thu hoạch phù hợp với từng vùng sản xuất hàng hóa lớn.