Hà Giang xóa bỏ hủ tục trong cộng đồng các dân tộc thiểu số

Hà Giang là nơi sinh sống của 19 dân tộc, mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhưng cũng còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ. Ðầu năm 2022, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27 về "Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh" với mục tiêu đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn các tập quán, phong tục lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, ký cam kết xóa bỏ hủ tục với các thôn bản.
Xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, ký cam kết xóa bỏ hủ tục với các thôn bản.

Tục "kéo vợ" là nét đẹp truyền thống trong cộng đồng người H’Mông ở vùng cao Hà Giang. Tuy nhiên, phong tục này đang có sự biến tướng, trở thành hủ tục "bắt vợ".

Ðầu năm 2022, tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc xảy ra vụ việc "bắt vợ" gây xôn xao dư luận. G.M.C, sinh năm 2006, trú tại thôn Hấu Chúa, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cố tình lôi kéo một cô gái trẻ "bắt" về làm vợ, mặc cho cô gái gào khóc, van xin. Chỉ đến khi có mặt cán bộ Công an xã Pả Vi, việc làm này mới dừng lại.

Không chỉ có những biến tướng trong phong tục "kéo vợ", nhiều hủ tục trong cưới xin vẫn tồn tại như thách cưới cao, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó là những hủ tục trong tang ma, điển hình như trong cộng đồng người H’Mông vẫn còn phong tục người chết không đưa vào áo quan, tang ma kéo dài từ 5 đến 7 ngày, giết mổ nhiều gia súc, cúng bái rườm rà, gây tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết, nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do việc xóa bỏ hủ tục và công tác bảo tồn bản sắc văn hóa chưa được giải quyết hài hòa. Trước kia, tỉnh chưa có phương thức triển khai hiệu quả, vai trò của cán bộ, đảng viên, người có uy tín, các tổ chức đoàn thể trong vận động nhân dân chưa được phát huy, dẫn đến nhận thức của cộng đồng về xóa bỏ hủ tục chưa có nhiều chuyển biến.

Xóa bỏ hủ tục đã tồn tại lâu đời trong đồng bào dân tộc là việc làm khó, cần bền bỉ thực hiện. Quan trọng nhất là các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, bền bỉ và chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp thực tiễn, không cứng nhắc. Xây dựng chế tài xử lý nhưng không nóng vội, không ép buộc; lấy tuyên truyền, vận động là chính nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Cán bộ, đảng viên là người tiên phong, gương mẫu đi đầu xóa bỏ hủ tục.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Ðặng Quốc Khánh

Trước thực trạng đó, đầu năm 2022, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27 về "Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh" giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn các tập quán, phong tục lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Ðặng Quốc Khánh, xóa bỏ hủ tục đã tồn tại lâu đời trong đồng bào dân tộc là việc làm khó, cần bền bỉ thực hiện. Quan trọng nhất là các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, bền bỉ và chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp thực tiễn, không cứng nhắc. Xây dựng chế tài xử lý nhưng không nóng vội, không ép buộc; lấy tuyên truyền, vận động là chính nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Cán bộ, đảng viên là người tiên phong, gương mẫu đi đầu xóa bỏ hủ tục.

Bước vào triển khai nghị quyết, từ tỉnh đến xã đã thành lập ban chỉ đạo, đồng thời ban hành chương trình, kế hoạch hành động gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành. Tất cả các xã, thị trấn đã tổ chức tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của cán bộ, đảng viên, người có uy tín, trưởng dòng họ, thầy cúng, nhằm rà soát, xác định những phong tục, tập quán tốt đẹp để gìn giữ, nhận diện những hủ tục để xóa bỏ.

Ngay sau khi Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy được ban hành, xã Sà Phìn, huyện Ðồng Văn họp với các trưởng thôn, người có uy tín, thầy cúng, trưởng dòng họ, qua đó xác định ở địa phương còn 12 hủ tục trong tang ma, ba hủ tục trong cưới xin.

Ðể xóa bỏ hủ tục, xã tổ chức gặp mặt, tuyên truyền tới bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, trưởng dòng họ về các hủ tục và những hậu quả của hủ tục, đồng thời chỉ đạo hệ thống chính trị của địa phương tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục. Tại một số thôn trọng điểm, xã tổ chức cho các dòng họ ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh.

Bí thư Ðảng ủy xã Sà Phìn Nguyễn Văn Hãnh cho biết: Qua thời gian tuyên truyền, vận động, các thôn đã cam kết không ăn cơm trên máng gỗ khi tổ chức đám tang; 5/8 dòng họ đã đưa người chết vào áo quan; hầu hết các đám tang không để người chết quá 48 giờ mới đem chôn và người dân trả lễ trong đám ma bằng tiền thay vì gia súc như trước đây.

Tại huyện Mèo Vạc, nơi tồn tại hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, biến tướng từ tục "kéo vợ", huyện đã xây dựng các mô hình điểm về xóa bỏ hủ tục ở các xã, thị trấn và thành lập tổ vận động ở tất cả các thôn.

Hà Giang có gần 2.000 người có uy tín, là đội ngũ phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, các địa phương dựa vào người có uy tín để vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục.

Các tổ vận động phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, kịp thời nắm bắt, ngăn chặn hủ tục trong cưới xin. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã vận động được gần 80 cặp hoãn hôn do chưa đến tuổi trưởng thành, ngăn chặn hàng chục trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Hà Giang có gần 2.000 người có uy tín, là đội ngũ phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, các địa phương dựa vào người có uy tín để vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục.

Ðồng chí Ly Mí Vàng, Bí thư Ðảng ủy xã Thài Phìn Tủng, huyện Ðồng Văn cho biết: Xã có 11 dòng họ, mỗi dòng họ đều có phong tục, tập quán riêng. Ðể vận động các dòng họ xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xã đã mời ông Vàng Chá Thào, người H’Mông ở xã Phố Cáo đến tuyên truyền. Trưởng các dòng họ đã nghe theo lời ông Thào về vận động các gia đình trong họ dần xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang.

Nghị quyết xóa bỏ hủ tục đã được các địa phương triển khai nghiêm túc, thu hút sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên đã tạo chuyển biến tích cực.

Hầu hết các dòng họ, các thôn vùng cao đã tuyên truyền, vận động giúp người dân nâng cao nhận thức, từ đó xóa bỏ những hủ tục trong tang ma như rút ngắn thời gian, không giết mổ nhiều gia súc, đưa người chết vào áo quan.

Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống; ngăn chặn kịp thời hàng trăm trường hợp tảo hôn.