Hà Giang phát huy vai trò của Đảng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội

NDO - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả khả quan.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc kiểm tra sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội tại xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc kiểm tra sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội tại xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc.

Sau khi có Chỉ thị 40, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về tín dụng chính sách xã hội được nâng lên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện được cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội, giúp các địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Để công tác tín dụng chính sách xã hội được triển khai xuyên suốt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 40; đồng thời, chỉ đạo các huyện, xã bố trí người đứng đầu chính quyền cùng cấp làm Trưởng Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp chỉ đạo chính quyền, các ngành thường xuyên tổ chức giao ban, nắm bắt tình hình, từ đó tổ chức thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội sát thực tiễn. Các tổ chức hội, đoàn thể các cấp tại Hà Giang cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách đến với người dân; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nguồn vốn, kiểm tra, giám sát thực hiện vốn vay tại cơ sở.

Đồng chí Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: “Sau khi có Chỉ thị 40, đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ xã đã thực hiện tốt việc định hướng cho nhân dân vay vốn dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế tại địa phương. Các đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách, từ khâu xác định đối tượng thụ hưởng, bình xét cho vay đến việc vận động người dân thực hiện đầy đủ các cam kết với ngân hàng”.

Hà Giang phát huy vai trò của Đảng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội ảnh 1

Được vay 60 triệu đồng, gia đình ông Hờ Sính Vàng, thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc đầu tư nuôi bò vỗ béo, cho thu nhập cao.

Tại xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, trong những năm qua, Đảng bộ xã xác định chăn nuôi đại gia súc là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc, xã đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực, trọng tâm là vận động nhân dân vay vốn tín dụng chính sách xã hội.

Tính đến cuối năm 2023, xã có hơn 790 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc, tổng dư nợ hơn 37 tỷ đồng. Các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư mua giống bò, đầu tư cải tạo chuồng trại chăn nuôi.

Đồng chí Hoàng Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn cho biết: “Đảng ủy xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể, lãnh đạo thôn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay; chỉ đạo cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người dân trồng cỏ, tiêm phòng bệnh, phòng chống rét. Nguồn lực từ vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp xã thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng đàn gia súc, tổng đàn bò đạt gần 1.800 con; gia đình nào cũng có gia súc, nhiều hộ nhờ phát triển chăn nuôi đã thoát cảnh đói nghèo”.

Năm 2021, gia đình ông Hờ Sính Vàng, thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn được vay 60 triệu đồng vốn tín dụng chính sách để đầu tư nuôi bò vỗ béo. Ông Hờ Sính Vàng cho biết: “Tôi đi nhiều nơi, mua bò gầy về vỗ béo rồi bán kiếm lời. Để bò phát triển tốt, gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, tiêm phòng đầy đủ. Cùng với đó, gia đình trồng hơn 1ha cỏ voi để chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Hiện, mỗi lứa gia đình nuôi từ 3 đến 5 con bò vỗ béo, sau vài tháng, bán ra thị trường cũng kiếm lời được vài triệu đồng”. Từ việc nuôi bò vỗ béo, gia đình ông Hờ Sính Vàng giờ đã thoát khỏi hộ nghèo, vươn lên hộ trung bình.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nên chất lượng tín dụng chính sách xã hội được nâng lên, điều đó thể hiện qua mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn đạt khá và tốt tại Hà Giang, đạt hơn 97%; người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, đồng vốn phát huy hiệu quả dẫn đến tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống chỉ còn 0,069% (trước khi thực hiện Chỉ thị 40 là hơn 2%).

Quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác

Điểm nổi bật trong việc thực hiện Chỉ thị 40 tại Hà Giang, đó là việc bố trí nguồn lực tài chính ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn nhằm bảo đảm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Dù là tỉnh khó khăn, nhưng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách hiện có hơn 271 tỷ đồng, tăng 253 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.

Hà Giang phát huy vai trò của Đảng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội ảnh 2

Chị Lưu Thị Tuyên, thôn Khuổi Vài, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để xây nhà mới.

Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: “Cấp ủy, chính quyền đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với ngân hàng trong việc triển khai nguồn vốn ủy thác. Hà Giang có cách làm riêng, sáng tạo, đó là gắn nguồn vốn ủy thác với việc triển khai các chương trình, chính sách thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh”.

Cụ thể, trong việc triển khai Nghị quyết 58/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về chính sách đặc thù, hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ, phát triển bền vững cây cam sành. Hằng năm, tỉnh bố trí ngân sách, thông qua ngân hàng cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn theo chính sách chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển cây cam sành.

Theo đó, từ năm 2021-2023, chính quyền địa phương đã huy động nguồn lực ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gần 94 tỷ đồng để cho 3.794 lượt hộ được vay vốn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và ngân hàng đã bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, chính sách của tỉnh được lan tỏa, phát huy hiệu quả. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay đã cải tạo lại vườn tạp thành những mô hình kinh tế tổng hợp, mang lại nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên.

Điển hình như gia đình chị Vương Thị Kình, thôn Làng Vàng 2, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên. Sau khi được vay 30 triệu đồng theo chương trình cải tạo vườn tạp, chị Kình đã đầu tư xây dựng hơn 300m2 nhà lưới để trồng các loại rau, đậu trái vụ, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giá bán cũng khá cao. Ngoài diện tích trồng rau trái vụ, gia đình chị Kình cũng trồng các loại rau theo mùa như đậu bắp, bí đỏ, dưa bao tử, ớt. Từ diện tích đất vườn hơn 500m2, gia đình chị Kình hiện nay có nguồn thu khoảng 50 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với trồng ngô như trước đây.

Hà Giang phát huy vai trò của Đảng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội ảnh 3

Nhờ vay vốn cải tạo vườn tạp, gia đình chị Vương Thị Kình, thôn Làng Vàng 2, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên có nguồn thu ổn định.

Đồng chí Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: “Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trường vốn tín dụng chính sách xã hội tăng bình quân 11% mỗi năm”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang thực hiện hơn 19 chương trình tín dụng chính sách xã hội. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt hơn 5.150 tỷ đồng, tăng 3.323 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40 và có hơn 94 nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách đang còn dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng đã giúp hơn 69 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 29 nghìn lao động; góp phần giúp tỉnh Hà Giang thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, trong 2 năm 2022 và 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 10% (từ 42,08% xuống còn 31,12%).