Hoàn thiện cơ chế quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 15/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục bám sát và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; cần thể hiện rõ “chủ thuyết” phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dự thảo Luật, bởi đây được coi là đạo luật gốc trong lĩnh vực này…

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, trong dự thảo Luật tránh đưa quá nhiều nội dung, tập trung vào những vấn đề cần thiết, xã hội cần, nhà khoa học cần và có thể triển khai được ngay. Với các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng cùng Chính phủ tháo gỡ.

Tên gọi dự thảo Luật có thể sửa thành Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và nội dung đổi mới sáng tạo là nội hàm nằm trong Luật, cần nghiên cứu xây dựng thành chương riêng để nêu rõ vấn đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần rà soát, đánh giá kỹ sự cần thiết, “độ chín” của từng nội dung để có cơ sở đưa vào Luật, bảo đảm tính khả thi, ổn định của Luật. Các nội dung khác chưa đáp ứng điều kiện vẫn nên tiếp tục thực hiện thí điểm để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ.

Đáng chú ý, tại Điều 11 đề cập 10 nội dung về chính sách phát triển khoa học-công nghệ; tuy nhiên, chính sách về phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng thì lại được xếp sau các chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển thị trường khoa học-công nghệ…

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đối với phát triển khoa học-công nghệ thì chính sách về nguồn nhân lực là vấn đề cần phải ưu tiên hàng đầu, bởi đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, tạo bước đột phá.

Sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ nghiên cứu bổ sung đánh giá định kỳ về hiệu quả của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; tiếp tục có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng hoang hóa, lãng phí đất đai. Trong thời gian tới, cần tổng kết đánh giá chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp…

Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 dự án luật: Dẫn độ; Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Tương trợ tư pháp về dân sự; Tương trợ tư pháp về hình sự.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các dự thảo luật nêu trên được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp hiện hành, có ý nghĩa rất quan trọng, được dư luận quốc tế quan tâm.

Đối dự thảo Luật Dẫn độ, cần tập trung vào hoàn thiện các quy định bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia và công dân, nhất là cần làm rõ các nguyên tắc dẫn độ hoặc không dẫn độ công dân Việt Nam, quy định chặt chẽ về điều kiện dẫn độ, trường hợp dẫn độ, trường hợp từ chối dẫn độ để tránh áp dụng tùy tiện.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài, nhưng đối với các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, tố tụng tư pháp thì phải quy định cụ thể, chi tiết, đầy đủ.

Cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét kỹ các quy định về trình tự thủ tục dẫn độ bảo đảm minh bạch, hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong hợp tác quốc tế gắn với tăng cường cơ chế giám sát, làm sao thông tin được công khai, minh bạch, nâng cao niềm tin của công chúng vào hệ thống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Đề án, Phương án thiết kế xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam.