Tính đến ngày 15/8, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Hà Giang đạt 36,63% kế hoạch giao. Có 24 chủ đầu tư giải ngân trên mức trung bình của tỉnh, 13 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh, 6 chủ đầu tư đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2023.
Tại hội nghị, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo tiến độ giải ngân của từng dự án tồn đọng, trong đó nêu rõ số vốn được giao, tiến độ giải ngân đến thời điểm hiện tại và nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, giải pháp khắc phục nhằm hoàn thành tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm.
Trong đó tập trung vào các dự án trọng điểm, có số vốn tồn đọng lớn như: dự án khu liên hiệp thể thao tỉnh; xây mới trụ sở Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh; cải tạo, nâng cấp 8 bệnh viện và 10 trạm y tế xã; dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) và các dự án đường tỉnh; đập dâng nước tạo cảnh quan thành phố…
Nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ giải ngân chậm do lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa chủ động phối hợp quyết liệt và thường xuyên trong chỉ đạo thực hiện. Một số chủ đầu tư chưa chủ động chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Việc theo dõi, quản lý dự án chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao.
Công tác phối hợp giữa một số ngành, các huyện, thành phố trong giải quyết khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, trong lập, điều chỉnh dự án, thiết kế, điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. Bên cạnh đó, năng lực của một số đơn vị thi công kém.
Từ thực tế trên, các đại biểu dự họp đã nêu một số giải pháp nhằm thúc đẩy vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Theo đó, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo đối với những chủ đầu tư có số vốn tồn đọng lớn. Đặc biệt là Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, hiện nay toàn tỉnh còn tồn hơn 1.700 tỷ đồng, nhưng riêng ban quản lý giao thông đã tồn 1.085 tỷ.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần tập trung thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án trọng điểm, trong đó có dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1).
Các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và nghiêm túc thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình; tăng cường công tác phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; thống kê những nhà thầu kém năng lực để thay thế.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần phải thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo đúng cam kết, đến cuối năm bảo đảm giải ngân 95% kế hoạch vốn. Từng chủ đầu tư phải có bản cam kết gắn với kế hoạch giải ngân theo tuần, tháng, theo từng dự án gửi Thường trực Tỉnh ủy và các tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ủy ban nhân dân tỉnh phải phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án trọng điểm, chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Các ngành, địa phương phải xác định việc thực hiện các dự án là trách nhiệm chung, chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để báo cáo tỉnh chỉ đạo khắc phục kịp thời. Các huyện, thành phố cũng đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc giám sát các dự án do các ban quản lý cấp tỉnh làm chủ đầu tư.
Để hoàn thành kế hoạch giải ngân 95% vốn đầu tư công, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị các cấp, các ngành giải quyết những khó khăn, vướng mắc một cách quyết liệt, trách nhiệm; nhận diện tháo gỡ khó khăn một cách thực chất, gắn trách nhiệm của lãnh đạo các huyện, ngành về kết quả giải ngân với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm; tăng cường kỷ cương, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công.