Ðối với dân làng, già A Bang được xem như cầu nối giữa người dân với chính quyền địa phương và là tấm gương sáng giúp người dân có thêm ý chí vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Trước đây, cuộc sống của già A Bang và người Giẻ Triêng tại làng Pêng sal Pêng còn nhiều thiếu thốn, gian khổ, đường xá đi lại khó khăn. Người dân trong làng chủ yếu dựa vào làm nương rẫy để sống qua ngày. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, song một bộ phận người dân chưa tin tưởng, vẫn giữ phương thức canh tác lạc hậu, kém hiệu quả.
Ðể dân tin, dân làm theo, năm 2018, già A Bang tiên phong chuyển đổi 2 ha diện tích trồng mì kém hiệu quả của gia đình sang trồng cây bời lời. Già còn tích cực tham gia những lớp tập huấn do chính quyền địa phương tổ chức để hiểu rõ hơn cách trồng và hiệu quả kinh tế của loại cây này. Già A Bang chia sẻ, cây bời lời rất dễ trồng, dễ chăm sóc và hầu như không cần chăm bón gì. Khi cây được 5 năm là có thể khai thác và khoảng 20 năm mới phải trồng lại. Loại cây này cho hiệu quả kinh tế rõ rệt nhờ bán vỏ khô và gỗ của cây, còn lá tươi làm thức ăn gia súc. Trong thời gian cây tái sinh, người dân vẫn có thể trồng xen sắn để tăng thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Kết hợp với trồng cây bời lời, già A Bang đầu tư hơn 500m2 ao nuôi cá, thả vịt, mang lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm.
Với những hiệu quả thấy được, già A Bang tích cực vận động người dân tại làng Pêng Sal Pêng trồng cây bời lời để có thêm cơ hội thoát nghèo. Người dân tin tưởng già và đã có 20 hộ dân làm theo với ước mơ làm giàu chính đáng. Hiện, nhiều hộ gia đình đã thành công nhờ học hỏi tấm gương sáng của già A Bang, trong số này có gia đình anh A Vít (làng Pêng Sal Pêng, xã Ðăk Pek).
A Vít cho biết, nhờ có già A Bang tuyên truyền, người dân nơi đây đã dần thay đổi tư duy, xóa bỏ hủ tục. Bản thân anh, hiện đã biết sử dụng máy móc trong chăn nuôi, không còn thả rông gia súc mà nuôi nhốt chuồng trại. Hiện gia đình anh trồng được 4 ha cây bời lời, hơn 3,3 ha rừng thông mới, kết hợp cùng việc chăn nuôi gia súc, đào ao thả cá, mỗi năm gia đình thu lãi gần 50 triệu đồng, vươn lên trở thành người khá giả trong vùng. Thời gian tới, A Vít dự kiến sẽ chuyển đổi diện tích trồng mì kém hiệu quả còn lại để tiếp tục mở rộng diện tích ao cá và cây bời lời nhằm hướng đến cuộc sống sung túc hơn.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðăk Pek Y Kim Lý, đối với cộng đồng người Giẻ Triêng, già làng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối giữa người dân với chính quyền địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, già làng còn là tấm gương sáng giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế.
"Nhờ học tập theo già A Bang, nhiều hộ dân tại xã Ðăk Pek đã từng bước thoát nghèo. Số hộ nghèo tại xã Ðăk Pek tính đến cuối năm 2023 còn 158 hộ, giảm 7 hộ so với năm 2022, chiếm 6,34% tổng số hộ dân trên địa bàn; có hơn 60% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã Ðăk Pek biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp" Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðăk Pek cho biết.