Những ngày qua, Đại lễ Phật đản diễn ra trong không khí trang nghiêm tại nhiều ngôi chùa tại Hà Nội. Các chùa và cơ sở tự viện trên địa bàn thành phố trang hoàng lễ đài, tôn trí tượng Phật và treo cờ, phướn, lồng đèn, biểu ngữ để chào đón Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023.
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại các cơ sở tự viện như thiết trí xe hoa - kiệu hoa diễu hành mừng ngày Phật đản, tụng kinh, thuyết pháp, tổ chức giao lưu văn nghệ Phật giáo quần chúng... để lại dư âm tốt đẹp trong lòng phật tử.
Phật tử Nguyễn Thị Thu, ở phố Chùa Láng, quận Đống Đa chia sẻ: Đi lễ chùa trong không khí của lễ Phật đản, chúng tôi rất phấn khởi. Các phật tử đến đây với tâm hướng tôn trọng, hướng thiện, mong phước lành. Đặc biệt, lễ Phật đản năm nay còn là dịp kỷ niệm 60 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, để lại trái tim bất diệt.
Như trong thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nói “Ngọn lửa đó đã chỉ cho mỗi người sống là phải biết vượt lên mọi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ hẹp hòi và mọi ý niệm cực đoan”. Với tôi, đây là dịp tốt để nhắc nhở và giáo dục con cháu.
Bên cạnh các hoạt động tôn giáo và lễ hội, Phật đản là dịp để mọi người cùng hướng về hoạt động từ thiện xã hội. Ngay trong mùa Phật đản này, Giáo hội Phật giáo Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động trọng tâm, trọng điểm như vận động các tăng ni, phật tử tham gia an toàn giao thông, ủng hộ xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên...
Ban Trị sự Phật giáo tại 30 quận, huyện, thị xã của thành phố với tinh thần “Ban vui, cứu khổ” của đạo Phật đã có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa.
Ban Trị sự Phật giáo của quận Thanh Xuân đã trao 30 phần quà, tổng trị giá 35 triệu đồng tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong quận.
Ban Trị sự Phật giáo huyện Gia Lâm tặng quà cho Hội người mù, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với tổng trị giá gần 60 triệu đồng.
Tương tự, Ban Trị sự Phật giáo thị xã Sơn Tây đã hỗ trợ chính quyền 70 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết và trao quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Ban Trị sự Phật giáo quận Ba Đình đã trao 20 phần quà tặng các em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận với tổng trị giá 10 triệu đồng để động viên các em nỗ lực vươn lên trong học tập, trở thành những người công dân có ích cho xã hội...
Phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật, trong 5 năm trở lại đây, Phật giáo Hà Nội đã tích cực vận động, tham gia quyên góp tài chính, vật phẩm trị giá hơn 15 tỷ đồng để ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ vì biển đảo Việt Nam, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt.
Bên cạnh đó là hàng trăm tấn gạo, hàng nghìn bộ quần áo bảo hộ và rất nhiều nhu yếu phẩm đã được chư tôn, đức tăng ni Thủ đô gửi tới, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân ở các khu phong tỏa, cách ly y tế khi dịch Covid-19 bùng phát.
Đặc biệt, hưởng ứng chương trình Sóng và máy tính cho em do Mặt trận Tổ quốc thành phố phát động, Đạo Tràng Pháp Hoa và Ban Hoằng pháp của Thành hội Phật giáo Hà Nội đã ủng hộ 25 bộ máy vi tính tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn. Một số chùa như chùa Thanh Nhàn, chùa Hòe Nhai, chùa Minh Quang thường xuyên tổ chức nấu cơm, nấu cháo cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện trong thành phố.
Tổng số tiền tăng ni, phật tử Hà Nội quyên góp ủng hộ công tác từ thiện trong 5 năm qua là hơn 128 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: Phát huy truyền thống “Hộ quốc, an dân”, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, tham gia tích cực các chương trình an sinh xã hội và thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phát động; qua đó, đã lan tỏa và tạo sự đồng thuận góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội hiện có 30 Ban Trị sự Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, với 2.028 tăng ni, một trường trung cấp Phật học, cùng 1.916 tự viện.
Với phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” làm kim chỉ nam cho các hoạt động Phật sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, mặt trận các cấp và gắn bó với nhân dân hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời, phát huy tinh thần “Đoàn kết, hòa hợp, ổn định, kế thừa và phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo’’, cùng người dân xây dựng Hà Nội xứng đáng với danh hiệu cao quý Thủ đô Anh hùng, thành phố vì hòa bình.