Góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Buôn Đôn

Sau những chuyến đến tỉnh Ðắk Lắk để tìm kiếm cơ hội đầu tư, ông Phan Ðức, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Rubi Ðại Ngàn-TP Hồ Chí Minh nhận thấy vùng đất Buôn Ðôn giàu tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác đúng mức.
0:00 / 0:00
0:00
Ðông đảo khán giả cổ vũ Giải đua xe ô tô địa hình “Thử thách vượt đại ngàn Buôn Ðôn 2023”
Ðông đảo khán giả cổ vũ Giải đua xe ô tô địa hình “Thử thách vượt đại ngàn Buôn Ðôn 2023”

Từ thực tế đó, ông đã đề xuất tổ chức Giải đua xe ô tô địa hình “Thử thách vượt đại ngàn Buôn Ðôn 2023” để quảng bá về vùng đất và con người Buôn Ðôn đến với du khách trong và ngoài nước. Ðề xuất này liền nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh và huyện, ngay sau đó giải được tổ chức thành công ngoài mong đợi.

“Với sự đam mê môn thể thao đua xe ô tô địa hình của người dân huyện Buôn Ðôn cũng như khu vực Tây Nguyên, chúng tôi sẽ nghiên cứu đầu tư một trường đua hỗn hợp đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đua xe địa hình, góp phần thúc đẩy phát triển môn thể thao này gắn với du lịch ở vùng đất Buôn Ðôn huyền thoại”. Ông Phan Ðức bày tỏ.

Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25km về phía Tây Bắc, huyện Buôn Ðôn nổi tiếng với các cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nguyên sơ như: Hệ sinh thái rừng khộp Vườn Quốc gia Yok Ðôn; thắng cảnh trên dòng sông Sê-rê-pốk thơ mộng với những rặng si cổ thụ; hệ thống sông, suối, hồ, thác nước, núi rừng đa dạng và các bến nước đẹp còn tương đối nguyên vẹn như bến nước buôn Niêng, buôn Yang Lành, bến Tha Luống, Bay Rong…Ðặc biệt, Buôn Ðôn còn nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Ðến nay, một số tổ chức, gia đình trên địa bàn huyện đang quản lý, chăm sóc 22 con voi nhà. Ngoài việc bảo tồn, đàn voi nhà còn có sức cuốn hút rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Ðắk Lắk. Những người nuôi voi như Ma Nang Ylich, Y Khu, Ma Phi…đều khẳng định, việc nuôi voi đã gắn bó với đồng bào dân tộc Buôn Ðôn từ xưa đến nay, vừa bảo tồn sinh kế cho gia đình, vừa góp phần duy trì sản phẩm du lịch độc đáo cho địa phương.

Bên cạnh đó, ở vùng đất Buôn Ðôn còn lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của cộng đồng 18 dân tộc anh em, được tái hiện đặc sắc trong lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Trong đó, phải kể đến là Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng các lễ hội đặc sắc gây ấn tượng với du khách như: lễ bỏ mả, lễ hội cồng chiêng, hội voi, lễ cúng bến nước và nhiều kiến trúc độc đáo như nhà sàn cổ, mộ “Vua voi”, tượng nhà mồ.... Hay các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc Lào, Ê đê, M’nông như: hát Ayray, kể khan, thổi Ðinh Năm, Ðinh Puốt, chế tác nhạc cụ dân tộc cùng với biểu diễn đàn tính, hát Then của người Tày, Nùng…

Với đặc thù là huyện biên giới, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Bù lại, Buôn Ðôn lại là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, văn hóa, khám phá, mạo hiểm…

Phạm Trung Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Buôn Ðôn

Trong những năm qua, mặc dù tỉnh, huyện đã có nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư vào khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn nên ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; hàng năm lượng du khách đến và lưu trú ở Buôn Ðôn chưa nhiều.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của vùng đất Buôn Ðôn là rất lớn, đặc biệt hiện nay tỉnh Ðắk Lắk đang thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó yêu cầu phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc.

Với mong muốn chung tay cùng tỉnh Ðắk Lắk biến chủ trương của Ðảng thành hiện thực, được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Rubi Ðại Ngàn đã phối hợp với các ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Buôn Ðôn tổ chức thành công Giải đua xe ô tô địa hình “Thử thách vượt đại ngàn Buôn Ðôn 2023” nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người Buôn Ðôn đến với du khách trong nước và quốc tế. Về lâu dài, doanh nghiệp này mong muốn được đầu tư một trường đua hỗn hợp đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đua xe địa hình và một số lĩnh vực khác, góp phần đánh thức tiềm năng du lịch của vùng đất huyền thoại này.

Ông Phan Ðức chia sẻ: “Buôn Ðôn không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ mà còn là địa điểm hoàn hảo để tổ chức giải đua xe ô tô địa hình chuyên nghiệp, bởi địa hình ở đây rất lý tưởng với nhiều sông, suối, ao hồ, đồi núi, rừng cây…Ðây không chỉ là một cuộc đua đơn thuần mà thông qua sự lan tỏa của giải đua, chúng tôi mong muốn biến những khó khăn của vùng đất này thành lợi thế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của Buôn Ðôn nói riêng, tỉnh Ðắk Lắk nói chung, nhất là sau khi hình thức du lịch cưỡi voi không còn hoạt động thì ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.”

Bất ngờ là lần đầu tiên giải đua được tổ chức tại huyện Buôn Ðôn nhưng đã thu hút sự tham gia của 80 đội với gần 200 tay đua đến từ trong nước và các nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Úc, Ukraina. Ðặc biệt trong thời gian 5 ngày diễn ra giải đua đã thu hút hơn 10 nghìn du khách trong và ngoài nước đến xem, cổ vũ, vượt ngoài kỳ vọng của ban tổ chức.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Buôn Ðôn Phạm Trung Nghĩa cho biết: Ðể khai thác tiềm năng du lịch, huyện cần có nhiều hình thức quảng bá để du khách biết đến và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Ðua xe ô tô địa hình là hoạt động mới mang tính đột phá, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; là cơ hội để đánh thức tiềm năng du lịch của vùng đất Buôn Ðôn.

Với sự thành công của giải đua, huyện Buôn Ðôn mong muốn được các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Ðắk Lắk quan tâm tạo điều kiện để huyện hình thành một trường đua hỗn hợp đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đua như xe đạp, mô tô và ô tô địa hình. Nếu điều đó thành hiện thực, vừa thúc đẩy phát triển loại hình thể thao này ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, vừa xây dựng huyện Buôn Ðôn trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn của du khách du lịch trong nước và quốc tế…