Gã khổng lồ công nghệ gọi kế hoạch này là mục tiêu dài hạn, bền vững (Stretch Goal) và Pichai thừa nhận rằng, đó là một sáng kiến táo bạo sẽ đòi hỏi những đột phá cả về chính trị và công nghệ để hiện thực hóa nó. Theo kế hoạch, Google sẽ phải di dời một số trung tâm dữ liệu và xử lý các vấn đề liên quan khác.
CEO của Google cho biết, cháy rừng thiêu rụi một khu vực lớn ở miền tây nước Mỹ trong tháng này đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và Google muốn thu hút sự chú ý hơn nữa thông qua mục tiêu mới cũng như các giải pháp của công ty.
"Năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác chiếm 61% mức sử dụng điện hàng giờ trên toàn cầu của Google vào năm ngoái. Hiện nay, Google cũng đang tìm cách ứng dụng công nghệ AI vào các hoạt động của mình nhằm tiết kiệm điện năng", Sundar Pichai cho biết thêm.
Google không phải là Công ty công nghệ duy nhất đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Gần đây, Microsoft đã cam kết sẽ giảm lượng khí thải carbon vào năm 2030, có nghĩa là gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẽ cắt giảm hơn một nửa lượng khí thải carbon và loại bỏ nhiều carbon hơn lượng carbon thải ra bầu khí quyển mỗi năm. Vào tháng trước, Microsoft đã thông báo rằng các hoạt động trực tiếp, các sản phẩm và bao bì của họ cũng sẽ không có chất thải vào năm 2030 và họ tiếp tục tham gia vào kế hoạch hạn chế sự đe dọa của biến đổi khí hậu.
Kể từ năm 2007, Google đã trở thành một công ty trung lập với carbon và CEO của Google nói thêm rằng, công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ tất cả mọi người bằng các dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây của mình và giúp các công ty dầu khí chuyển sang khai thác các nguồn tài nguyên khác. Điều này sẽ giải quyết thêm những lời chỉ trích mà Google phải đối mặt vì tiếp tục kinh doanh với các công ty chuyên sản xuất năng lượng bằng các nguồn không tái tạo, mặc dù đang hỗ trợ năng lượng tái tạo.