Gồng mình giữa lũ dữ, mưa to

Mưa lớn, lũ trên sông Hồng vượt mốc lịch sử và sạt lở đất liên tiếp đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản nhất là ở hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Các địa phương đang tập trung huy động nhân lực, vật lực để khắc phục hệ thống thông tin liên lạc, kết cấu hạ tầng; đồng thời, tổ chức lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả do lũ quét; tiếp cận vùng bị cô lập, di dời các hộ dân ra khỏi vùng “rốn lũ”, bảo đảm an toàn cho người dân với quyết tâm cao nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng vũ trang Quân khu 2 cứu giúp dân vùng lũ ở TP Yên Bái.
Lực lượng vũ trang Quân khu 2 cứu giúp dân vùng lũ ở TP Yên Bái.

Ngập úng diện rộng, vượt mốc lịch sử

Tại thành phố Yên Bái, trong đêm 9/9, nhiều vụ sạt lở đất liên tiếp xảy ra tại khu vực phường Yên Ninh, Minh Tân, xã Âu Lâu, Minh Bảo… khiến nhiều người thương vong. Có thể nói, chưa bao giờ người dân Yên Bái trải qua một đêm chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất gây ra như vậy. Hầu hết tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố có ta-luy đều xảy ra tình trạng sạt lở… Sáng 10/9, thành phố vẫn có mưa to, mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn, giao thông gần như tê liệt, khiến công tác hỗ trợ, khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Toàn thành phố Yên Bái ngập trong nước...

Ông Nguyễn Văn Tiến ở Tổ 9, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái kể lại: “Khu km6 nhà tôi dù mưa to thế nào cũng chưa bao giờ bị ngập. Nhưng đến 22 giờ đêm 9/9, do mưa lớn kéo dài liên tục, khu sau suối nhà, nước dâng cao và lên rất nhanh, chỉ một tiếng sau là dồn vào nhà. Ngay cả cơn lũ lịch sử năm 2008, nước dâng nhưng vẫn còn thấp hơn vỉa hè nhà tôi khoảng 30 cm. Thế nhưng, trận mưa lũ đêm qua đã ngập cao hơn năm 2008 và trở thành lũ lịch sử...”.

Trên chiếc ca-nô loại ST 660 của Lữ đoàn 543, Quân khu 2 chạy dọc dòng nước đục ngầu mầu đỏ, vốn là đường Nguyễn Thái Học, Thiếu tá Lê Xuân Lữ, Đội trưởng ca-nô cho biết: “Ngay sau khi có lệnh, chúng tôi đã cơ động nhanh từ phía Phú Thọ về Yên Bái tiếp ứng cứu dân. Một mũi cứu dân ra khỏi vùng nguy hiểm, từ 3 giờ sáng nay (10/9) đã cứu 135 người dân phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học ra khỏi dòng nước dâng cao đến tầng hai của nhà dân...”.

Theo báo cáo nhanh của tỉnh Yên Bái, đến 17 giờ ngày 10/9, số người bị chết và mất tích do bão số 3 là 34 người; thiệt hại về nhà ở: 21.678 nhà; nhà phải di dời người và tài sản để bảo đảm an toàn: 2.699 nhà...

Sáng 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký ban hành Quyết định 1814/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để có phương án di chuyển kịp thời. Tỉnh chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương theo quy định; xây dựng kế hoạch tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ, quyên góp từ các cá nhân, tổ chức để gửi đến người dân vùng thiên tai; tổ chức thực hiện tốt phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai…

Thực hiện “5 nguyên tắc, 6 nhiệm vụ trọng tâm”

Rạng sáng 9/9, tại thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, huyện Bát Xát (Lào Cai) có bốn hộ bị sạt lở, trong đó, có bảy người đang mất tích. Đáng chú ý, trong lúc đi hỗ trợ bà con di chuyển ra khỏi vùng thiên tai, ông Lý A G., Trưởng thôn Trung Hồ, xã Trung Lèng Hồ đã bị đất sạt từ trên đồi cao xuống vùi lấp và bị cuốn trôi mất tích... Được biết, trước đó ngày 9/9, ông Lý A G., đã ngược xuôi đi vận động bà con nhân dân di chuyển đến nơi an toàn. Sau đó, ông G. đi giúp nhà người thân tháo chuồng lợn ở cách nhà hơn 10m để cho lợn chạy ra ngoài nhưng đất đá trên đồi sạt xuống bất ngờ làm cho ông G. không kịp chạy thoát thân.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Bàn Thanh Thảo cho biết: “Đến 17 giờ chiều 10/9, huyện lại tiếp tục ghi nhận thêm 10 người mất tích, tử vong do sạt lở đất chưa tìm kiếm được... Giải pháp bây giờ là phát huy tối đa các lực lượng tại chỗ phối hợp lực lượng chức năng của huyện, tỉnh để cứu nạn cứu hộ; tập trung khắc phục tình hình mất điện, mất sóng điện thoại và mạng internet tại các xã để kết nối thông tin liên lạc trên toàn huyện”. Huyện cũng khẩn trương huy động các nguồn lực, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ đồng bào các xã bị thiệt hại do mưa lũ để sớm ổn định cuộc sống nhân dân.

Theo báo cáo nhanh của huyện Bát Xát, các tuyến đường trên địa bàn có hàng chục điểm sạt lở do mưa lũ. Các phương tiện khó lưu thông. Trong hai ngày qua, huyện Bát Xát đã vận động 456 hộ dân với hơn 2.100 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn; huy động 25 máy xúc thông các tuyến đường trên địa bàn huyện.

Tại huyện Bảo Yên, do lũ sông Hồng, sông Chảy và lũ suối dâng cao, các tuyến đường thuộc địa phận các xã Điện Quan, Xuân Thượng, Nghĩa Đô, Việt Tiến, Kim Sơn, Cam Cọn, Bảo Hà, Phúc Khánh, Lương Sơn, Xuân Hòa, Tân Dương, Tân Tiến… bị ngập cục bộ, ách tắc giao thông, cô lập hoàn toàn.

Sáng sớm 10/9, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) vùi lấp 35 nóc nhà (nơi sinh sống của 128 nhân khẩu).

Ngay sau vụ sạt lở đất, lãnh đạo huyện Bảo Yên cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã khẩn trương tiếp cận hiện trường, nỗ lực tập trung mọi nguồn lực, phương tiện, y, bác sĩ khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, đã ứng cứu được 15 nạn nhân, tìm thấy thi thể 16 nạn nhân; còn khoảng 70 người được xác định đang mất tích.

Theo người dân địa phương, khu vực này chưa bao giờ xảy ra thiên tai nên khi vụ sạt lở núi xảy ra tất cả đều hoàn toàn bất ngờ. Có mặt tại hiện trường thăm hỏi người dân và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo, cho biết: Trận lũ quét gây ra nhiều mất mát, thương vong rất lớn trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện Bảo Yên đang tập trung huy động tối đa nhân lực, phương tiện cho công tác tìm kiếm cứu nạn nơi đây.

Theo báo cáo nhanh, tính đến chiều ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hơn 40 xã, 85 thôn đang bị cô lập do đường giao thông bị ngập nước, sạt lở (huyện Bát Xát 12 xã ven sông Hồng, huyện Bảo Thắng 10 xã, huyện Bảo Yên 11 xã, huyện Bắc Hà sáu xã, huyện Văn Bàn ba xã, huyện Si Ma Cai hai xã)...

Trong ngày 10/9, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên đã tiếp nhận 18 nạn nhân từ thôn Làng Nủ. Bệnh viện đã bố trí kíp cấp cứu lưu động sáu người (bao gồm: 2 bác sĩ, 4 nhân viên y tế) túc trực tại hiện trường để khi tiếp nhận nạn nhân, lập tức sơ cứu ban đầu.

Bác sĩ Phạm Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên cho biết: Các nạn nhân đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực và Chống độc. Một số nạn nhân được đưa vào đây còn chưa rõ thông tin, không có người nhà. Vì vậy, Ban Giám đốc bệnh viện yêu cầu nhân viên tích cực chăm sóc, giúp đỡ sinh hoạt và ổn định tâm lý.

Theo báo cáo nhanh, tính đến chiều ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 xã, 85 thôn đang bị cô lập do đường giao thông bị ngập nước, sạt lở (huyện Bát Xát 12 xã ven sông Hồng, huyện Bảo Thắng 10 xã, huyện Bảo Yên 11 xã, huyện Bắc Hà sáu xã, huyện Văn Bàn ba xã, huyện Si Ma Cai hai xã)...

Cũng trong chiều 10/9, tại xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên lại xảy ra hai vụ sạt lở đất. Thông tin ban đầu có một người chết, bốn người mất tích. Theo ông Hoàng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, địa phương đang nỗ lực hết sức có thể, kể cả xuyên đêm để tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Ngay sáng 10/9, Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đã họp khẩn về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn do hoàn lưu của cơn bão số 3. Chủ trì cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã yêu cầu thực hiện “5 nguyên tắc, 6 nhiệm vụ trọng tâm” phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh. Về nguyên tắc, cần thực hiện song song công tác phòng ngừa với ứng phó, khắc phục; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống mưa lũ; thực hiện bảo đảm an toàn cho lực lượng thực hiện cứu hộ, cứu nạn trong quá trình hỗ trợ nhân dân; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cần nắm bắt cơ sở, thông tin kịp thời về ban chỉ huy để có chỉ đạo, ứng phó kịp thời; tăng cường liên kết với tỉnh Yên Bái trong ứng phó, khắc phục mưa lũ.

Gồng mình giữa lũ dữ, mưa to ảnh 1

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân vụ lũ quét ở xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên,tỉnh Lào Cai.

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết: Lịch sử từ khi thành lập tỉnh và tái lập tỉnh đến nay, Lào Cai chưa bao giờ trải qua trận mưa lũ lớn như lần này, gây thiệt hại rất nặng nề trên tất cả các phương diện, nhất là người chết và mất tích. Cũng tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, lực lượng vũ trang, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh dồn lực chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, nhất là các địa phương đang bị chia cắt mạnh như Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát…

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các yêu cầu: Rà soát, chủ động phương án ứng cứu để bảo đảm tính mạng của người dân và các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn; những nơi sạt lở, có người mất tích, tất cả các lực lượng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ nhưng phải bảo đảm an toàn cho lực lượng trên nguyên tắc sử dụng lực lượng tại chỗ ở nơi khó tiếp cận, bị cô lập; thực hiện bảo vệ tài sản của nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước; bảo đảm nhu cầu thiết yếu và đời sống người dân, nhất là những nơi đang bị chia cắt, khó khăn; sớm khôi phục cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; thăm hỏi, hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở, điều kiện sinh hoạt, sản xuất…