Yên Bái công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai

NDO - Đêm 9/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã ký văn bản số 1814/QĐ-UBND về việc quyết định công bố tình hình khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái về tình huống mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập úng.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Yên Bái bị cô lập do nước sông Hồng dâng cao. (Ảnh: THANH SƠN)
Một góc thành phố Yên Bái bị cô lập do nước sông Hồng dâng cao. (Ảnh: THANH SƠN)

Theo đó, do chịu ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3, từ đêm 7/9 đến ngày 9/9 trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ 19 giờ ngày 8/9 đến 6 giờ 9/9 phổ biến từ 50-150mm, một số nơi cao hơn 200 mm như Tân Phượng 3275,8 mm; An Lạc 257 mm; An Phú 261 mm; Minh Tiến 230,8 mm; Minh Chuẩn 222 mm...

Trên sông Hồng (sông Thao) tại Yên Bái, lũ đang lên nhanh. Mực nước lúc 7 giờ ngày 9/9 là 33,69m (trên báo động 3 là 1,69m). Trên Ngòi Thia, lũ đang dao động ở mức cao, mực nước lúc 7 giờ ngày 9/9 là 43,35m.

Thiên tai đã làm chết 3 người; 4 người bị thương; 3.103 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; 1.022,86 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại; nhiều vị trí trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã bị sạt lở; kẻ bờ suối Thia bị sạt lở 40m...

Yên Bái công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai ảnh 1

Người dân chạy lũ tại đường Thành Công, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. (Ảnh: THANH SƠN)

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài khí tượng thủy văn Yên Bái, trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch và biện pháp phù hợp ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tiếp tục rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để có phương án di chuyển kịp thời. Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống thiên tai tại công trường. Phối hợp với các sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi thực hiện kiểm tra hồ, đập, xử lý các khu vực trọng điểm, xung yếu; vận hành hồ chứa, xả lũ theo đúng quy trình; thông tin kịp thời, chính xác cho chính quyền, người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn cho các công trình, khu dân cư hạ du; tổ chức lực lượng tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét để hướng dẫn người dân qua lại bảo đảm an toàn.