Gói viện trợ cho Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) vừa khép lại với bước tiến đáng kể trong vấn đề ngân sách. Sau nhiều tuần vấp phải sự phản đối từ Hungary, cuối cùng các nhà lãnh đạo EU cũng đạt thỏa thuận cấp gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine. EU nhấn mạnh, gói hỗ trợ sẽ giúp Ukraine bảo đảm nguồn tài chính ổn định và lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00
Cờ châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ ngày 13/3/2023. (Ảnh: Reuters)
Cờ châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ ngày 13/3/2023. (Ảnh: Reuters)

Thông báo trên mạng xã hội X, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine.

Vấn đề ngân sách từng gây tranh cãi tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 12/2023. Khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phủ quyết khoản hỗ trợ cho Ukraine, khiến EU không thể đạt được đồng thuận về kế hoạch ngân sách của khối và buộc phải nhóm họp lại vào đầu năm 2024 để tháo gỡ bế tắc.

Theo ông Michel, EU đang đảm nhận vai trò lãnh đạo và thể hiện trách nhiệm hỗ hợ Ukraine. Lãnh đạo Ukraine và các nước EU hoan nghênh quyết định nêu trên. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Ukraine Yulia Svyrydenko cho rằng, khoản viện trợ góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô của Ukraine.

Về phía EU, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định, việc thông qua khoản ngân sách hỗ trợ Ukraine trong thời gian ngắn ngay sau khi hội nghị bắt đầu là một thành công.

Vấn đề ngân sách từng gây tranh cãi tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 12/2023. Khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phủ quyết khoản hỗ trợ cho Ukraine, khiến EU không thể đạt được đồng thuận về kế hoạch ngân sách của khối và buộc phải nhóm họp lại vào đầu năm 2024 để tháo gỡ bế tắc.

Vốn là quốc gia có lập trường phản đối cứng rắn với gói viện trợ, việc Hungary rút lại quyền phủ quyết tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường vừa qua đã gây bất ngờ. Theo tờ Financial Times, trước Hội nghị, EU đã gia tăng sức ép lên Hungary với cảnh báo về hậu quả mà nước này có thể phải đối mặt nếu Budapest phủ quyết gói hỗ trợ cho Kiev, trong đó có thiệt hại kinh tế với Budapest.

Thỏa thuận của EU đạt được trong bối cảnh triển vọng viện trợ từ Mỹ cho Ukraine trở nên mờ mịt do sự bất đồng trong Quốc hội xứ Cờ hoa. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm hỗ trợ thêm 60 tỷ USD cho Kiev. Tình hình được nhận định sẽ càng trở nên phức tạp trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Theo giới chức EU, nếu không có các khoản viện trợ mới, Ukraine sẽ cạn ngân sách trong vài tháng tới. Hãng thông tấn Interfax-Ukraine cho biết, tổng nợ trong và ngoài nước của Ukraine trong năm 2023 ở mức cao kỷ lục là 145,32 tỷ USD. Bộ Tài chính Ukraine ước tính Ukraine cần hơn 37 tỷ USD tài trợ từ bên ngoài trong năm 2024. Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn với các nhà tài trợ của Kiev để thảo luận về việc cung cấp tài chính hỗ trợ ngân sách đang gặp khó khăn của Ukraine.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng của nông dân châu Âu cũng được các nhà lãnh đạo EU thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường. Nông dân Bỉ đưa khoảng 1.000 máy kéo đến chặn ở hầu hết các khu phố của Brussels, nơi diễn ra cuộc họp quan trọng của EU.

Nguyên nhân khiến người nông dân châu Âu tổ chức biểu tình là do họ cảm thấy sản phẩm mình làm ra chưa được trả giá thỏa đáng, phải chịu nhiều loại thuế và các “quy định xanh” ngặt nghèo, cũng như phải chống chọi sự cạnh tranh thiếu công bằng từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Sự xuất hiện tràn ngập thị trường của ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine, quốc gia được hưởng quy định miễn hạn ngạch và thuế của EU, cùng các cuộc đàm phán mới về việc ký thỏa thuận thương mại giữa EU và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đã làm dấy lên sự bất mãn của nông dân các nước EU.

Trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh bất thường, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, EU vẫn đang nỗ lực hỗ trợ nông dân. Mới nhất, EU đề xuất gia hạn một năm áp dụng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nông sản của Ukraine, song đi kèm các “biện pháp phòng vệ” nhằm ngăn hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào thị trường EU, gây thiệt hại cho nông dân.

EU đang nỗ lực giải quyết khó khăn trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 6/2024. Việc các nước EU tìm được tiếng nói thống nhất để tạo nền tảng hiện thực hóa hành động chung về các vấn đề hóc búa, nhất là liên quan ngân sách và chính sách đối ngoại, là hết sức quan trọng đối với vị thế, uy tín của khối này.