Sáng 26/9, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt tổ chức tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt”.
Tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý, nhà khoa học và nhà quản lý bộ, ngành, địa phương, cùng nhiều đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản Đà Lạt-Lâm Đồng.
Quang cảnh tọa đàm. |
Phát biểu đề dẫn, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Hiển thông tin, tháng 9/2024, xuất khẩu rau củ của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, đạt giá trị hơn 920 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2023. Đến tháng 9 năm nay, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ nước ta đã đạt 5,6 tỷ USD, bằng tổng giá trị xuất khẩu toàn năm 2023. Đây là mức tăng trưởng chưa từng thấy trước đó.
Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại tọa đàm. |
Tuy nhiên, đi ngược những nỗ lực to lớn ấy, tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt vẫn còn diễn ra không ít, với những hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi. Như chiêu trò “nhập nhèm” thương hiệu khoai tây, cà rốt, dâu tây Đà Lạt… thời gian qua. Trước thực tế đó, vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng và nông sản Việt, đặt ra nhiều thách thức cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.
Các đại biểu nêu thực trạng và gợi mở những giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. |
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật sở hữu trí tuệ, vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu nông sản Đà Lạt; đẩy mạnh cung cấp mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản Đà Lạt; thực hiện tốt công tác hậu kiểm sản phẩm sử dụng thương hiệu Đà Lạt; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh nông sản nhập nội, các hành vi giả mạo thương hiệu, bảo đảm quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng và uy tín của thương hiệu nông sản Đà Lạt...
Doanh nghiệp trình bày ý kiến và chứng minh thực tế liên quan vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. |
Đồng thời, tăng cường chế tài bằng cách đề xuất nâng mức phạt hành chính hoặc xử lý hình sự để mang hiệu quả, cần có nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản…
Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gian lận thương mại đối với nông sản Đà Lạt là do chất lượng nông sản Đà Lạt rất cao, giá thành sản xuất cao và sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý.
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại tọa đàm. |
Tiến sĩ Phạm S gợi mở, để giải quyết tình trạng này, trước hết, cần cải thiện năng suất, giảm giá thành sản xuất thông qua ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ trong sản xuất; đầu tư nghiên cứu bộ giống tốt, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ; quản lý chặt chẽ hơn về thương hiệu và chất lượng sản phẩm, bao gồm việc xác định rõ nguồn gốc, sử dụng công nghệ để phân biệt sản phẩm thật và giả xuất xứ. “Giải pháp quan trọng là tăng cường truyền thông, quảng bá thương hiệu nông sản Đà Lạt cả trong và ngoài nước, để người tiêu dùng nhận diện rõ hơn về giá trị, chất lượng sản phẩm”, Tiến sĩ Phạm S nhấn mạnh.
Các chuyên gia, nhà quản lý phát biểu ý kiến trực tuyến. |
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 69 nghìn ha nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 21% diện tích canh tác, trong đó có 670ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số; 37 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền, 2 nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; toàn tỉnh có 407 sản phẩm OCOP.
Chiêu trò "nhập nhèm" thương hiệu khoai tây Đà Lạt đã từng nhiều lần bị lực lượng chức năng xử lý. |
Vùng sản xuất rau, hoa chủ yếu tập trung tại Đà Lạt và vùng phụ cận, với tổng diện tích canh tác khoảng 30 nghìn ha. Riêng tại Đà Lạt, diện tích canh tác nông nghiệp hơn 10,6 nghìn ha; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của thành phố theo giá hiện hành đạt khoảng 5.600 tỷ đồng; ngành nông nghiệp chiếm 15,5% cơ cấu kinh tế của thành phố.
Sản xuất hoa công nghệ cao tại Đà Lạt. |
Các nông sản của Đà Lạt, như rau, hoa, cà phê, atisô, chè, hồng ăn quả... đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, nhiều sản phẩm được cấp nhãn hiệu bảo hộ, là thành tố quan trọng làm nên thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.