Phát triển nông nghiệp thông minh trong biến đổi khí hậu

NDO -

NDĐT - Chiều 25-7, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo phát triển nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Qua đó, nghiên cứu đưa ra định hướng và giải pháp ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Sản xuất nông nghiệp thông minh tại Lâm Đồng.
Sản xuất nông nghiệp thông minh tại Lâm Đồng.

Lâm Đồng hiện có hơn 54,4 nghìn ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 19,5% diện tích đất canh tác. Trong đó, diện tích tưới tự động và bán tự động là 28 nghìn ha; canh tác thủy canh, 50 ha; ứng dụng công nghệ cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng trong canh tác, 194,7 ha. Doanh thu bình quân đạt 169 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, rau công nghệ cao đạt từ 400 đến 500 triệu đồng, hoa đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng; chè chất lượng cao khoảng 250 triệu đồng… Sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường từ 30 đến 50%.

Lâm Đồng có 21 nông sản được cấp nhãn hiệu, chín doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, địa phương đã triển khai ứng dụng nhiều công nghệ thông minh trong nông nghiệp, như công nghệ nhân giống in vitro, IoT, đèn led, công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống bò sữa… nhằm tận dụng tối đa lợi thế, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao.

Theo TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện nhiều trang trại tại Lâm Đồng đã thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, như: quạt, rèm vách, cắt nắng, bơm tưới, châm dinh dưỡng, điều chỉnh EC và pH; hệ thống camera ghi hình ảnh cây trồng, giám sát quy trình chăm sóc, phát triển của cây; hệ thống tự động phân tích dữ liệu môi trường, đưa ra cảnh báo, quy trình cho cây trồng phát triển, nâng cao năng suất và lệnh điều khiển…

“Ứng dụng thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT) là công nghệ cốt lõi, cần và đủ; với mục tiêu hiệu quả kinh doanh. Thực tế tại Lâm Đồng cho thấy, hạ tầng cung ứng công nghệ và quản trị doanh nghiệp IoT đã được tiếp cận bước đầu. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta trở thành một trong những quốc gia thành công trong nông nghiệp thông minh 4.0 trong những năm tới”, TS Phạm S cho biết.

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, hội thảo tập trung thảo luận, đưa ra định hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh tại Lâm Đồng, với phương châm “đi ngay, đi nhanh, đi chính xác” cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ phù hợp, hiệu quả cao.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp về quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách; giải pháp về vốn, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế; giải pháp về thị trường và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Đặc biệt là giải pháp khoa học - công nghệ, với dự án “nông nghiệp thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo và robot cho thực phẩm an toàn”; xây dựng cổng điện tử thông minh trong dự tính, dự báo dịch hại; ứng dụng tế bào quang điện, cảm biết kết nối vạn vật; sử dụng robot trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi…

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có hơn 65 nghìn ha ứng dụng công nghệ cao, trong đó có khoảng 700 ha ứng dụng công nghệ cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng trong canh tác rau, hoa, cây đặc sản và chè; tổng đàn bò sữa đạt 50 nghìn con, sản lượng sữa tươi đạt 150 đến 200 nghìn tấn; hơn 90% doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nông sản triển khai phần mềm quản lý chuỗi cung ứng và tích hợp thông tin vào mã QR Code.