Gỡ vướng mắc để tạo bứt phá mới cho Cà Mau

NDO - Tiếp tục chương trình làm việc tại Cà Mau, sau khi đi khảo sát thực tế ở cơ sở, sáng 11/5, đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh Cà Mau vào sáng 11/5.
Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh Cà Mau vào sáng 11/5.

Đây là động thái vào cuộc tích cực, quyết liệt sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện số 365/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong xử lý công việc thuộc thẩm quyền phụ trách nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của địa phương.

Gỡ vướng mắc để tạo bứt phá mới cho Cà Mau ảnh 1

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra thực tế công trình chống sạt lở ven sông ở huyện Năm Căn (Cà Mau) vào chiều 10/5.

Báo cáo nhanh tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nêu lên nhiều vướng mắc, khó khăn mà địa phương đang gặp phải, nhất là “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, nguồn lực trong phòng chống sạt lở, các quy định thuộc lĩnh vực lâm nghiệp đã ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư của địa phương…

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, sạt lở bờ biển làm mất hơn 5.200ha rừng ven biển, sạt lở bờ sông làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và 237 căn nhà…, tổng thiệt hại ước khoảng 1.100 tỷ đồng. Do đó, cần khẩn cấp xây dựng hệ thống kè bảo vệ bờ biển, nếu làm chậm, Cà Mau sẽ mất thêm đất đai và rừng phòng hộ nhiều hơn, khó khả năng phục hồi, bù đắp.

Gỡ vướng mắc để tạo bứt phá mới cho Cà Mau ảnh 2

Khi được cơ chế thí điểm, tới đây, những công trình kè ven biển ở Cà Mau sẽ không phải tốn tiền từ ngân sách nhưng vẫn đáp ứng tốt việc phòng, chống sạt lở.

Từ thực tiễn đã và đang diễn ra, Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng Đề án đầu tư kè phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách phòng, chống thiên tai của Trung ương để thực hiện, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công trình kè những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm.

Cùng với đó, Cà Mau đề xuất cho phép tỉnh thực hiện thí điểm việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công trình kè bảo vệ vùng ven biển kết hợp khôi phục lại đai rừng phòng hộ nhằm giảm tải đầu tư từ ngân sách. Doanh nghiệp sẽ được sử dụng chứng chỉ cacbon phần diện tích rừng đã khôi phục, đồng thời được giao một quỹ đất nhất định phía ngoài diện tích trồng rừng giáp với kè để thực hiện dự án năng lượng mặt trời, hoặc khai thác quỹ đất để phát triển du lịch.

Dự án thí điểm về kêu gọi đầu tư ven biển sẽ không theo các quy định về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, quy hoạch năng lượng hiện hành. Nếu được chấp thuận thì sau khi triển khai, Cà Mau sẽ cùng các bộ, ngành Trung ương liên quan tổng kết, đánh giá, đề xuất các cơ chế, chính sách, sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới.

Để gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt kiến nghị nâng cấp sân bay Cà Mau đủ lớn nhằm đáp ứng khai thác dòng tàu bay cỡ lớn (4C) kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; sớm nâng cấp, mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1 vì hiện nay đường nhỏ, hẹp; sớm có chủ trương xây dựng tuyến cao tốc đến vùng ven biển huyện Ngọc Hiển (Đất Mũi), qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, kêu gọi và khai thác Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai.

Gỡ vướng mắc để tạo bứt phá mới cho Cà Mau ảnh 3

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nêu lên những trăn trở của tỉnh Cà Mau trong thu hút, kêu gọi đầu tư.

Liên quan vấn đề giao thông, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, đây là “nút thắt” ảnh hưởng khá lớn đến phát triển của tỉnh trong nhiều năm liền, nhất là kinh tế biển, thế mạnh của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng. Là địa phương còn khó khăn, quy mô ngân sách nhỏ, phải hưởng trợ cấp từ Trung ương nhưng "nút thắt" vừa nhiều và tồn lại khá lâu. Tỉnh mong cấp trên thấy được những khó khăn của địa phương, có giải pháp tháo gỡ mang tính đột phá.

“Hãy thay đổi cách nhìn về Cà Mau để làm động lực phát triển. Không nhìn Cà Mau là điểm cuối để về sau mà là điểm đầu, mở ra xu thế hội nhập, đó là cảng biển, đó là sân bay, cần tháo gỡ mang tầm nhìn chiến lược để phát triển nhanh, bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chia sẻ.

Gỡ vướng mắc để tạo bứt phá mới cho Cà Mau ảnh 4

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau vào sáng 11/5.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu ví đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu thì bán đảo Cà Mau là vùng bị tổn thương nhiều nhất khi đang phải gồng gánh hai tay, vừa lo sạt lở bờ biển Tây, lại trăn trở “hở sườn” bên bờ biển Đông.

Thống nhất với tỉnh cần có tầm nhìn chiến lược, đa dạng nguồn lực để phân kỳ đầu tư hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ chung tay, đồng hành cùng tỉnh Cà Mau trong phòng chống sạt lở, phải làm ngay để giảm thiệt hại.

Trong vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tỉnh không nên bó buộc vào những con số, mà phải mở ra không gian mở, trong đó quan trọng là chuyển đổi đất, đặc biệt là đất lâm nghiệp. “Lâu nay, nhiều địa phương, không riêng gì Cà Mau, được tiếng “rừng vàng, biển bạc” nhưng càng “ôm” nhiều rừng thì càng khó, càng khổ nhiều” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để tháo gỡ “nút thắt” về rừng, chúng ta không chỉ nên xem rừng là cây mà cần cởi mở các hình thái để phát triển theo hướng có lợi cho người dân. Thủ tướng Chính phủ cũng trăn trở, đang xin ý kiến các cơ quan thẩm quyền có liên quan để sửa đổi một số văn bản vi phạm pháp luật theo hướng giúp địa phương chủ động hơn trong chuyển đổi đất rừng nhằm phục vụ cho phát triển, để người giữ rừng hưởng lợi nhiều hơn, chung tay giữ rừng tốt hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ đạo các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới… Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan trong đoàn công tác của Chính phủ tổng hợp đầy đủ, sau buổi làm việc phải có báo cáo cụ thể đến cấp trên xử lý trong thẩm quyền bộ, ngành phụ trách, giúp Cà Mau tháo gỡ các khó khăn, nút thắt…, tạo nên bứt phá mới.