Quê hương anh hùng ngày đổi mới

Năm nào cũng vậy, vào những dịp lễ, Tết, dù bận rộn đến mấy, các vị lão thành cách mạng và lãnh đạo tỉnh Cà Mau đều thu xếp công việc về thăm Phú Mỹ, một trong chín đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.
0:00 / 0:00
0:00
Lộ giao thông dọc theo chiều dài Xẻo Đước, ấp có đến hơn 70% số hộ khá, giàu thuộc xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau).
Lộ giao thông dọc theo chiều dài Xẻo Đước, ấp có đến hơn 70% số hộ khá, giàu thuộc xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau).

Nhớ dạo giáp Tết Quý Mão 2023, đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau và các cán bộ lão thành cách mạng tụ họp về khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước (ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ) để tặng quà, chúc Tết. Nghe bà con vùng căn cứ cho biết đường giao thông về huyện gặp khó vì chưa có cây cầu bắc ngang kênh Vàm Xáng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện báo cáo ngay để gỡ khó cho bà con.

Trở lại lần này vào thời điểm kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, chúng tôi được anh Hai Giang (Võ Trường Giang), Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân hồi âm ngắn gọn trong niềm vui khôn tả: Cầu Vàm Xáng vừa bổ sung vào danh mục đầu tư công vốn trung hạn, đã trình lên tỉnh để triển khai trong giai đoạn đến 2025.

Mừng thay cho Phú Mỹ, vùng đất mà người dân đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, không ngại nguy hiểm, hy sinh, luôn một lòng theo Đảng; đã che chở cho các cơ quan đầu não của Tỉnh ủy an toàn đến ngày đất nước toàn thắng.

Căn cứ cách mạng trong lòng dân

Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, quân và dân Phú Mỹ tiếp tục được giao trách nhiệm xây dựng căn cứ địa cách mạng an toàn để bảo vệ các đồng chí: Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt chỉ đạo trực tiếp phong trào cách mạng miền nam.

Giai đoạn 1960 đến 1975, nhiều ấp trong xã từ Xẻo Đước, Thị Kẹo, Thọ Mai, Mỹ Thành, Chà Là, Giáp Nước, Rạch Láng... trở thành căn cứ của nhiều cơ quan cấp tỉnh, như: Tỉnh ủy, Tiểu ban Giáo dục, Thông tấn báo chí, Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau, Cơ quan Phụ nữ tỉnh...

Trong đó, Căn cứ Tỉnh ủy Cà Mau đặt tại ấp Xẻo Đước nằm ngay trong tầm đạn bắn của giặc nhưng tồn tại suốt 15 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà vẫn tuyệt đối bí mật, an toàn.

Căn cứ Tỉnh ủy Cà Mau đặt tại ấp Xẻo Đước nằm ngay trong tầm đạn bắn của giặc nhưng tồn tại suốt 15 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà vẫn tuyệt đối bí mật, an toàn.

Chú Sáu Nhờ (Huỳnh Văn Nhờ, ấp Xẻo Đước) hồi nhớ lại chuyện xưa: Lúc mới chuyển về Xẻo Đước, các đồng chí ở cơ quan Tỉnh ủy tá túc tại các hầm bí mật trong nhà dân. Năm 1964, khu căn cứ Tỉnh ủy được xây dựng bằng lá dừa nước ở đầm Thị Tường và cây gỗ địa phương với sự giúp sức của nhân dân Xẻo Đước.

Nhiều người dân hoạt động hợp pháp trong vùng còn mua thuốc, tự tay bắt tôm, cá dưới đầm Thị Tường phục vụ cán bộ cách mạng. Sống giữa lòng dân, căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước được nhân dân bao bọc, chở che. Để bảo vệ bí mật tuyệt đối trước sự lùng sục gắt gao của kẻ thù, người Xẻo Đước từ già tới trẻ còn được quán triệt thực hiện "3 không": Không nói, không nghe, không thấy.

Nhờ thực hiện tốt việc phòng gian, bảo mật và sự che chở, hỗ trợ tích cực của nhân dân Phú Mỹ mà lãnh đạo Tỉnh ủy Cà Mau các thời kỳ đã an toàn để chỉ đạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần đưa quê hương Cà Mau tới ngày hòa bình, thống nhất.

"Chung tay vào thắng lợi và thành tích vẻ vang đó, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã hy sinh to lớn về người và của, nhiều người bị giết, tù đày, nhiều nhà cửa, vườn tược và tài sản của người dân bị phá hủy", Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Mỹ Nguyễn Văn Đen cho biết.

Ngày 6/11/1978, Đảng bộ, quân và dân xã Phú Mỹ được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ghi nhận những đóng góp và thành tích xuất sắc của địa phương, ngày 6/11/1978, Đảng bộ, quân và dân xã Phú Mỹ được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồng lòng xây dựng quê hương đổi mới

Truyền thống đoàn kết, kiên cường đấu tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược là động lực khích lệ tinh thần để Đảng bộ, nhân dân Phú Mỹ vượt lên sự tàn phá của chiến tranh, nghèo khó sau ngày đất nước thống nhất. Sau nhiều lần chia tách rồi sáp nhập, đầu năm 2005, xã Phú Mỹ cũ chia tách thành xã Phú Thuận và Phú Mỹ, thuộc huyện Phú Tân như ngày nay. Xã Phú Mỹ có sáu ấp với hơn 2.200 hộ dân và khi về "nơi ở" mới, phải "xắn tay áo" làm lại mọi thứ, từ trụ sở hành chính đến hệ thống đường giao thông liên ấp để người dân thông thương, đi lại.

Là vùng căn cứ cách mạng, Phú Mỹ được cấp trên quan tâm nhiều hơn về hạ tầng thiết yếu. Nhà nông nuôi tôm, nuôi thủy sản thường xuyên được tập huấn, nắm vững kỹ thuật nên ít gặp rủi ro. Đất trống quanh nhà, cán bộ xã đến tận nơi vận động bà con không được bỏ trống, cần trồng rau màu, nuôi thêm gia cầm để có thêm thu nhập.

Cuối năm 2016, không lâu sau ngày hoàn thành xong việc xây dựng cụm trụ sở hành chính của xã, Phú Mỹ được công nhận là xã nông thôn mới, cũng là xã "về đích" nông thôn mới đầu tiên của huyện Phú Tân giai đoạn 2015-2020. "So với thời điểm mới tách xã, từ chỗ không có ki-lô-mét lộ nào thì nay trên địa bàn đã xây dựng được 119km lộ nông thôn, trong đó có đến 16km lộ rộng 3-4m; thu nhập bình quân hiện đạt 60 triệu đồng/người/năm, gấp gần bốn lần so với lúc mới tách xã; hộ nghèo từ chiếm hơn 17% nay giảm còn 0,8%.

Trong đó, ấp Xẻo Đước là nơi đặt khu căn cứ Tỉnh ủy chỉ còn một trường hợp mới phát sinh là hộ nghèo (đầu năm 2023), nhưng toàn ấp có hơn 70% hộ khá, giàu", đồng chí Nguyễn Văn Đen khoe.

Để hoàn thành mục tiêu "về đích" xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024, Đảng bộ xã Phú Mỹ đang tập trung nhiều giải pháp đồng bộ trong sản xuất nhằm nâng mức thu nhập bình quân của người dân lên 70 triệu đồng/người/năm; đồng thời, nâng cấp hạ tầng đường nông thôn, xúc tiến xây dựng thêm một số mô hình hợp tác, ưu tiên về sản xuất và du lịch, vận động nhân dân trồng thêm nhiều hoa kiểng để tạo cảnh quan môi trường hấp dẫn...

Quê hương anh hùng ngày đổi mới ảnh 1

Đầm Thị Tường. Ảnh: HỮU TÙNG

Giữa tháng 2/2023, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành của tỉnh đích thân về tận nơi khảo sát toàn diện khu vực đầm Thị Tường - nơi được xem là "Biển Hồ" trong đất liền lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, một thời là "cái bụng" tôm, cá cung cấp thức ăn cho bộ đội, nhiều cơ quan đồn trú của Cà Mau và khu căn cứ Tỉnh ủy.

Vui mừng khi vùng đất Phú Mỹ giàu truyền thống cách mạng, luôn một lòng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thi đua trong lao động, sản xuất để góp phần kiến thiết quê hương ngày càng đổi mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa các gia đình chính sách, người có công. Đối với tiềm năng to lớn về du lịch của đầm Thị Tường, tới đây tỉnh sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư để hoàn thiện nâng cấp hạ tầng giao thông trên bộ kết nối chung quanh đầm cùng các hạ tầng thiết yếu khác...

48 mùa xuân đi qua sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, câu chuyện huyền thoại về căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước trong lòng nhân dân vẫn còn đó. Các lớp thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Minh Hải cũ và Cà Mau đã hoạt động, trưởng thành nhờ cọng rau, con cá, chén cơm ở Xẻo Đước, Thọ Mai, đầm Thị Tường. Nghĩa tình keo sơn, bền chặt ấy được lưu truyền đến tận hôm nay, để các thế hệ trẻ tiếp bước cha ông tinh thần xả thân vì cách mạng.