Cùng suy ngẫm

Gỡ nút thắt mặt bằng trong đầu tư xây dựng và giao thông

Dự án xử lý nước thải Suối Nhum tại phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đã triển khai từ 20 năm nay, nhưng vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành do chưa giải phóng được mặt bằng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. TTXVN
Ảnh minh họa. TTXVN

Các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất phản ánh, cơ quan quản lý áp dụng Luật Đất đai năm 2003 để bồi thường là bất hợp lý, bởi giá đất thị trường tại khu vực này dao động từ 70 đến 100 triệu đồng/m2. Tương tự, dự án đường vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh được bắt đầu xây dựng từ năm 2007, nhưng đến nay còn khoảng 2,7km từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng bị bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Sau nhiều năm bị đình trệ, các nhà thầu rút hết máy móc, nhân công khỏi công trường; nhiều hạng mục dở dang bị xuống cấp, gây lãng phí lớn. Khảo sát một số dự án chậm hoặc dừng triển khai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cảm thấy hết sức xót xa trước những cảnh hoang tàn, lãng phí phơi bày trước mắt. Cầu Nam Lý, cầu Nam Long (đường Đỗ Xuân Hợp, thành phố Thủ Đức); cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè),… dù đã xây dựng xong hạng mục chính nhưng vẫn chưa thể khai thác, đành nằm trơ trụi, xuống cấp chỉ vì vướng một vài hộ dân,...

Báo cáo mới nhất của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, toàn thành phố hiện có 75 dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách chậm triển khai vì vướng mặt bằng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại thành phố sau 7 tháng năm 2022 mới đạt 25% cũng bắt nguồn từ mặt bằng.

"Nút thắt" chủ yếu của câu chuyện mặt bằng chính là đơn giá bồi thường, chừng nào giá bồi thường thấp hơn hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần giá giao dịch trên thị trường tại khu vực bị thu hồi đất thì rất khó thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng. Nhận xong tiền bồi thường, người dân không tạo lập được chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì rất khó mong người dân đồng thuận với các chủ trương của thành phố.

Tại thành phố Thủ Đức và các quận, hệ số điều chỉnh giá đất vừa ban hành đã tăng từ 3 đến 15 lần; tại năm huyện ngoại thành tăng từ 8 đến 15 lần; hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp tăng từ 7 đến 35 lần,...

Do vậy, việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất nhằm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao hơn rất nhiều so với những năm trước là chủ trương đúng, trúng. Tại thành phố Thủ Đức và các quận, hệ số điều chỉnh giá đất vừa ban hành đã tăng từ 3 đến 15 lần; tại năm huyện ngoại thành tăng từ 8 đến 15 lần; hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp tăng từ 7 đến 35 lần,... Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng, áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất mới sẽ rút ngắn thời gian lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các dự án. Hệ số điều chỉnh giá đất xây dựng phương án bồi thường sẽ được ban hành đầu năm để áp dụng cho cả năm.

Tuy nhiên, thành phố cần coi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thúc đẩy đầu tư công là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống, là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ. Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm tổ trưởng, trực tiếp giải quyết điểm nghẽn, vướng mắc trong đầu tư các dự án. Nên chăng, các cơ quan, đơn vị cấp dưới cũng theo cách này, lập tổ công tác do người đứng đầu phụ trách để tập trung xúc tiến, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm do đơn vị mình phụ trách? Lãnh đạo nào, cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ có chế tài xử lý tương ứng.

Có giải pháp đột phá, cách làm khoa học trong giải phóng mặt bằng chính là tạo đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn,...