Đại diện Bộ Giao thông vận tải; một số bộ, ngành trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, Đồng Nai cùng các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị tư vấn... dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, TP Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch của thành phố Thủ Đức. Việc rà soát quy hoạch giao thông là rất quan trọng vì giao thông đi trước mở đường, dẫn đường cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông tốt không chỉ cho giúp cho TP Hồ Chí Minh phát triển mà còn giúp phát triển cả vùng Đông Nam Bộ và dẫn dắt cho sự phát triển chung của cả nước.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 568 năm 2013 đã bộc lộ một số hạn chế; do đó cần xem xét điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Các cơ quan quản lý thành phố cần nhận diện những hạn chế, điểm nghẽn để tháo gỡ trong thời gian tới.
Nhu cầu phát triển về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Trung ương và thành phố sẽ rất lâu hoàn thành, làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội.
Vì vậy, việc tìm kiếm các mô hình, các cơ chế tài chính kinh tế phù hợp là rất cần để thực hiện quy hoạch giao thông vận tải, cần đầu tư các dự án giao thông trên tinh thần “Kinh tế giao thông” chứ không phải là dự án giao thông.
Giám đốc Sở giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho rằng, cần nghiên cứu đánh giá quy hoạch, rà soát tổng thể toàn bộ hiện trạng mạng lưới giao thông thành phố và dự báo biến động dân số, nhu cầu đi lại gắn với định hướng phát triển trong thời gian tới.
Để thực hiện quy hoạch về giao thông cần có cơ chế đột phát trong việc gắn kết thực hiện quy hoạch giao thông với thực hiện quy hoạch đô thị, phát huy nguồn lực đất đai. Cần nghiên cứu các phương thức đầu tư theo hình thức PPP đang áp dụng phổ biến trên thế giới...
Theo ông Trần Quang Lâm, đối với đường bộ, thành phố sẽ điều chỉnh, bổ sung các tuyến mới kết nối với các tuyến quốc lộ, vành đai, cao tốc, các điểm kết nối với các đường trục chính đô thị phù hợp quy mô và tầm nhìn phát triển của thành phố.
Tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 các nút giao thông để làm cơ sở quản lý quy hoạch đô thị đồng bộ, giải quyết các thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng và tháo gỡ các vướng mắc cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi quy hoạch tại các nút giao trên địa bàn thành phố.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhằm phát triển đô thị, quỹ đất dọc các tuyến vành đai, cao tốc, tạo nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông khu vực…
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường đại học Việt Đức, cho rằng, để phát triển giao thông đô thị bền vững, TP Hồ Chí Minh cần giải quyết 2 thách thức lớn, đó là thiếu nguồn vốn đầu tư hoàn thành mạng lưới quy hoạch và nguy cơ sản lượng hành khách thấp ở giai đoạn vận hành ban đầu.
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn dẫn chứng, theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, thành phố cần khoảng 26 tỷ USD cho 15 dự án đầu tư để hoàn thành mạng lưới Đường sắt đô thị với tổng chiều dài gần 220km.
Hiện, thành phố đã huy động được hơn 6,5 tỷ USD từ vốn vay ODA cho 3 dự án, tương đương 25% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Như vậy vẫn còn khoảng 75% nhu cầu vốn cần tiếp tục huy động bằng các giải pháp huy động vốn có tính mới, đột phá.
Mô hình đối tác công tư (PPP) gắn với các dự án phát triển đô thị tích hợp nhà ga Đường sắt đô thị (TOD) có thể sẽ là chìa khóa để giải quyết thách thức về huy động vốn và thu hút hành khách sử dụng giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn…