Gỡ khó cho các dự án dân sinh ở Thủ đô

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục, tu bổ, tôn tạo các di tích. Tuy nhiên, nhiều trường học chưa đáp ứng được những tiêu chí của trường chuẩn quốc gia do thiếu kinh phí đầu tư trang, thiết bị dạy và học. Bên cạnh đó, các di tích bị xuống cấp do các địa phương thiếu kinh phí tu bổ. Để tháo gỡ những khó khăn trên, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển công nghiệp văn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Đình Cổ Vũ tại phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm được đầu tư, tôn tạo, trở thành điểm văn hóa hấp dẫn khách du lịch. (Ảnh CÔNG THỌ)
Đình Cổ Vũ tại phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm được đầu tư, tôn tạo, trở thành điểm văn hóa hấp dẫn khách du lịch. (Ảnh CÔNG THỌ)

Bài 1: Tập trung tu bổ, tôn tạo di tích

Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó, có một di sản văn hóa thế giới và nhiều di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với thời gian, hàng trăm di tích đã bị xuống cấp, thậm chí có những di tích đứng trước nguy cơ sập đổ. Thành phố Hà Nội đang huy động các nguồn lực để đầu tư tu bổ di tích một cách hiệu quả.

Sau hai năm bị tạm dừng tổ chức lễ hội bởi dịch Covid-19, mới đây người dân phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) rất phấn khởi khi được tổ chức trở lại lễ hội đình Hữu Tiệp, nơi thờ Huyền Thiên Hắc Đế, trong ngôi đình vừa được tu bổ khang trang, sạch đẹp.

Trả lại vẻ đẹp cho di tích

Ngay sát bên đình Hữu Tiệp là đền Cát Triệu, thờ thân mẫu Huyền Thiên Hắc Đế. Ngôi đền đã cơ bản hoàn thành công tác tu bổ, chỉ còn một số hạng mục phụ trợ nữa là không gian xưa được hoàn trả. Cụ An Viết Mỹ - thủ từ cụm di tích này cho biết: “Trước đây, không gian đền Cát Triệu bị chín hộ gia đình lấn chiếm, làm nơi sinh sống cho nên khuôn viên đình và đền bị thu hẹp đáng kể. Nhờ nỗ lực rất lớn của chính quyền, nhân dân quận Ba Đình và phường Ngọc Hà, đến nay mới giải tỏa được các hộ dân lấn chiếm đó, tu sửa lại đình và đền, trả lại vẻ đẹp cho di tích”.

Hầu hết các di tích ở nội thành Hà Nội đều lâm vào tình trạng này. Đầu những năm 1950, trong thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, nhiều hộ gia đình “ở nhờ” di tích rồi lấn chiếm. Đây là rào cản lớn nhất mỗi khi tu bổ di tích. Tuy nhiên, những năm gần đây, quận Ba Đình đã tạo đột phá trong công tác di dời, giải phóng mặt bằng. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình Cồ Như Dũng cho biết: “Chúng tôi rà soát kỹ lưỡng từng di tích. Mặc dù các hộ dân lấn chiếm di tích là sai, nhưng quận cũng không thể để người dân không có chỗ cư trú. Do đó, quận nắm bắt nguyện vọng, tuyên truyền, vận động kết hợp hỗ trợ tối đa các hộ dân. Có như vậy người dân mới yên tâm di chuyển đi đến nơi ở mới, trả lại không gian cho di tích”.

Đầu xuân Quý Mão 2023, nhân dân thôn Đoài Giáp (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) phấn khởi đón sự kiện đình làng Đoài Giáp được khánh thành, đưa vào sử dụng sau một thời gian tu bổ. Đình Đoài Giáp thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Vào thế kỷ 19, ngôi đình được trùng tu lớn. Đến thời nhà Nguyễn đình được tu tạo thành một ngôi đình khang trang, bề thế.

Nhưng ngôi đình đã bị tàn phá trong thời kỳ chiến tranh, tòa đại đình bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn phần hậu cung. Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Tường, việc tu bổ đình Đoài Giáp, phục dựng đại đình là mong mỏi của người dân, nhưng vượt ngoài khả năng của địa phương. Nhờ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với tổng kinh phí lên tới 26,5 tỷ đồng, ngôi đình đã được tu bổ hậu cung, phục dựng đại đình, nghi môn và tôn tạo hạ tầng kỹ thuật.

Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Sơn Tây Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: “Thị xã Sơn Tây có hệ thống di tích dày đặc, với 244 di tích các loại, trong đó, nhiều di tích xuống cấp. Thực hiện chủ trương của thành phố, trong giai đoạn 2021-2025, thị xã Sơn Tây thực hiện tu bổ 24 dự án. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ một phần kinh phí. Hiện nay có hai dự án đang thi công, 10 dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu kỹ thuật và đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công”.

Một số địa bàn khác triển khai hiệu quả công tác tu bổ di tích gồm các huyện Đông Anh, Gia Lâm... với hàng chục di tích được tu bổ, tạo nền tảng cho việc phát huy giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tổ chức lễ hội của người dân.

Gỡ khó cho các địa phương

Do số lượng di tích quá lớn, cho nên vẫn còn hàng trăm di tích trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Huyện Chương Mỹ có 374 di tích, trong đó có 32 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 138 di tích cấp thành phố. Trong giai đoạn 2016-2021, huyện đã tu bổ, tôn tạo 19 di tích với kinh phí ngân sách là 15 tỷ đồng, năm 2022, ngân sách chi hỗ trợ kinh phí tu bổ cấp thiết chống xuống cấp cho bốn di tích lịch sử với tổng số tiền là 2,1 tỷ đồng..., chưa kể hàng chục tỷ đồng huy động từ nguồn vốn xã hội hóa.

Tuy nhiên, những con số này như “muối bỏ bể” bởi phần lớn di tích đều làm bằng gỗ quý, việc tu bổ hết sức tốn kém, nhất là với những di tích cần thay thế nhiều cấu kiện. Do đó, đến năm 2022, Chương Mỹ vẫn còn 21 di tích đã được xếp hạng, bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được tu bổ. Một số huyện khác như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thạch Thất cũng gặp khó khăn vì thiếu kinh phí tu bổ di tích.

Trước thực tế này, tháng 4/2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ Kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố (Nghị quyết số 02).

Nghị quyết này đã tháo những “điểm nghẽn” trong công tác tu bổ di tích trên địa bàn thành phố. Theo danh mục được phê duyệt, huyện Chương Mỹ được thành phố hỗ trợ 29 dự án tu bổ di tích, trong đó có 13 dự án dành cho các di tích cấp quốc gia, tổng mức đầu tư là hơn 789 tỷ đồng. Một trong những di tích nhận được hỗ trợ là đình Cổ Hiền (xã Hoàng Diệu). Được khởi công xây dựng tháng 8/2022, dự án có mức đầu tư 10 tỷ đồng đến nay đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của nhân dân địa phương.

Tại huyện Mỹ Đức, thành phố trực tiếp đầu tư 9 dự án, với kinh phí gần 974 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho 30 dự án khác. Hiện nay, dự án tu bổ di tích đình Vĩnh Xương, xã Mỹ Thành đang được triển khai, 9 dự án khác đã được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng...

Trưởng Phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: “Nếu không có Nghị quyết số 02, rất nhiều di tích tại các địa phương còn khó khăn như các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Quốc Oai... tiếp tục trong tình trạng chờ sập. Tuy nhiên, việc tu bổ hàng trăm di tích trong một thời gian ngắn cũng đặt ra vấn đề về chất lượng tu bổ.

Để bảo đảm chất lượng tu bổ, tránh xảy ra sự cố trong quá trình tu bổ, bên cạnh sự tham gia của cơ quan quản lý cấp thành phố, các địa phương cũng cần chủ động, nâng cao trách nhiệm trong lựa chọn đơn vị tư vấn, giám sát, đơn vị thi công; giám sát chặt chẽ quá trình thi công tại hiện trường”.

Một vấn đề khác đặt ra tại nhiều địa phương là sự biến động về giá cả, sự xuống cấp của các hạng mục của di tích giữa thời điểm thông qua Nghị quyết số 02 với thời điểm nghiên cứu phê duyệt đầu tư dự án, khi một số di tích bị xuống cấp thêm.

Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Sơn Tây Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: “Chúng tôi đề xuất thành phố điều chỉnh bổ sung kế hoạch hỗ trợ vốn cho công tác tu bổ một số dự án. Bởi so với thời điểm lên kế hoạch, việc nghiên cứu, phê duyệt dự án thời điểm này đã có nhiều thay đổi về giá, một số hạng mục của di tích tiếp tục bị xuống cấp, khiến chi phí tăng lên hàng tỷ đồng”.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: “Hà Nội đang thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng di sản. Việc Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 02 đầu tư 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích với tổng kinh phí 14.029 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 có 420 dự án với 9.784,5 tỷ đồng, thể hiện sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo thành phố Hà Nội với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Ngành văn hóa đã và sẽ phối hợp các địa phương để triển khai một cách hiệu quả nhất. Song, thực tế cũng cho thấy một số địa phương còn gặp khó khăn trong bố trí vốn đối ứng, cho nên chúng tôi mong muốn thành phố quan tâm đầu tư vốn từ ngân sách để có thể bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.

(Còn nữa)