Ngày 29/5/2008, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, có hiệu lực từ ngày 1/8/2008.
Đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô - trái tim của cả nước.
Chặng đường 15 năm qua không dài so với lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước, nhưng là một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong tạo dựng thế và lực mới cho Thăng Long - Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội thời điểm được hợp nhất (tháng 8/2008) có diện tích 3.328,89 km2 với dân số hơn 6,2 triệu người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Qua 15 năm phát triển, thành phố hiện có gần 8,6 triệu người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), 30 quận, huyện, thị xã (huyện Từ Liêm tách thành 2 quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 2 phường).
Những năm tháng đầu khi mới mở rộng địa giới, Hà Nội gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ; sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, của các nhà trí thức, nhà khoa học và sự ủng hộ, động viên to lớn của nhân dân cả nước, cũng như thu hút được nhiều nguồn lực từ bên ngoài, Hà Nội đã phát triển một cách nhanh chóng, vượt bậc và gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.
Theo số liệu của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008-2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011-2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh), GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; trong đó dịch vụ tăng 6,77%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%; nông nghiệp tăng 2,87%.
Chặng đường 15 năm qua không dài, nhưng là một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong tạo dựng thế và lực mới cho Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: SƠN BÁCH) |
Năm 2020 và 2021, GRDP của thành phố tăng khá thấp so với các năm trong giai đoạn 2011-2022, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Năm 2022, GRDP phục hồi tăng cao, tuy nhiên năm 2023 tăng trưởng chững lại do tác động của xung đột Nga-Ukraine và chính sách kiềm chế lạm phát của các quốc gia.
Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Bình quân giai đoạn 2011-2022, GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm).
Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định 2010) đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước (khoảng 4.110 USD), gấp 3,5-3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - khoảng 1.697 USD).
Trong giai đoạn 2008-2022, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước (trừ năm 2018). (Đồ họa: BÔNG MAI) |
[Ảnh] Những công trình nổi bật của Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính
Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Dịch vụ được chú trọng phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu lại cơ cấu nội ngành, trong đó những năm gần đây tập trung mạnh vào số hóa, đẩy mạnh thương mại điện tử và phục hồi phát triển ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Giai đoạn 2011-2022, dịch vụ tăng bình quân 6,77%/năm - cao hơn bình quân chung là 6,67%. Năm 2022, dịch vụ phục hồi tăng mạnh (đạt 10,06%); 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục khẳng định đà phục hồi, mức tăng đạt 7,54% - gấp 1,26 lần mức tăng chung của GRDP (5,97%).
Du lịch là lĩnh vực được thành phố ưu tiên phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2019, Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011), 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm trên 37% lượng khách quốc tế của cả nước, xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc.
Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Năm 2020 và 2021 du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, khách du lịch suy giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi đại dịch dần được kiểm soát, thành phố chỉ đạo thực hiện kích cầu và cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phục vụ khách nội địa; đã công nhận thêm 10 điểm du lịch, xây dựng thêm nhiều sản phẩm mang đến “làn gió mới” cho du lịch; ký kết hợp tác, kết nối với các tỉnh, thành phố thiết lập ”hành lang xanh” du lịch; tổ chức nhiều chương trình kích cầu, tuyên truyền, quảng bá “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”...
Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách – đạt tương đương năm 2015, bằng 62,3% cận dưới mục tiêu năm 2025 (30 triệu khách), trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt, bằng 21,4% mục tiêu năm 2025.
Sáu tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần; khách nội địa 10,3 triệu lượt, tăng 22,6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3%; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 61,1%, tăng 31,1 điểm %. Dự kiến năm 2023, thành phố thu hút 22 triệu lượt khách du lịch (khách quốc tế 3 triệu lượt).
Cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu lao động của Hà Nội có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. (Đồ họa: BÔNG MAI) |
Tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao
Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao.
Giai đoạn 2011-2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm - cao hơn bình quân chung (6,67%). Do ảnh hưởng tình hình chính trị, kinh tế thế giới, công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,28% (trong đó, công nghiệp tăng 2,82%).
Hằng năm, thành phố thực hiện lựa chọn, công nhận các sản phẩm công nghiệp chủ lực; hai năm 2021-2022 đã có 55 doanh nghiệp với 79 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực; trong đó, 7 doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Tổng doanh thu sản phẩm của 55 doanh nghiệp đạt gần 120 nghìn tỷ đồng; xuất khẩu đạt gần 2,4 tỷ USD (chiếm 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố).
Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển với 9 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động.
Trong 3 năm 2021-2023, đã tổ chức khởi công được 13/43 cụm công nghiệp đã được phê duyệt theo quy hoạch, 30 cụm công nghiệp còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công và tiếp tục thành lập mới và kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch (đến năm 2025 có 159 cụm công nghiệp).
Ngành công nghiệp của Hà Nội được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 91% toàn ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, kinh tế tri thức, kinh tế số cũng được thành phố chú trọng đẩy mạnh. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Nhiều sản phẩm công nghệ cao, thiết bị thông minh được sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ngành xây dựng tăng bình quân 4,14%/năm; nhiều khu đô thị mới được xây dựng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô (Khu đô thị Việt Hưng, Vinhomes River Side, VinCity Ocean Park, VinCity Sportia, Garmuda, Royal City, Times City…).
So sánh một số chỉ tiêu của Hà Nội với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. (Đồ họa: BÔNG MAI) |
Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét: khu vực nhà nước giảm từ 51,0% năm 2010 xuống còn khoảng 34,3%; khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 54,8%.
Thành phố đã thu hút mới trên 4,5 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu thì hằng năm, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2008-2022 đạt 2,94 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm. Các nguồn thu được quản lý đầy đủ và chặt chẽ; cơ cấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có sự chuyển dịch tích cực, bền vững; tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ mức 80,5% năm 2008 lên 91,7% vào năm 2023.
So với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số nhưng thành phố đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu, 29,77 và 10,77% kim ngạch nhập khẩu của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Nhận diện những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả lớn đáng khích lệ đã đạt được, sau 15 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, vẫn còn tồn tại những hạn chế, thách thức mà thành phố Hà Nội cần tiếp tục tập trung tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, kinh tế Thủ đô thời gian qua duy trì tăng trưởng khá, chống chịu tốt trước những tác động từ bên ngoài, nhất là đại dịch Covid-19, tuy nhiên chưa hoàn thành mục tiêu đề ra các nhiệm kỳ 2011-2015 và 2016-2020.
GRDP bình quân đầu người của Hà Nội hiện chỉ bằng khoảng 90% của Thành phố Hồ Chí Minh, 73% của Quảng Ninh, 84% của Hải Phòng, 82% của Bắc Ninh và thấp hơn nhiều so với một số thủ đô trong khu vực Đông Nam Á: Bằng 8% của Singapore, 17% của Kuala Lumpur, 26% của Bangkok, 27% của Jakarta, 57% của vùng đô thị Manila, 86% của Vientiane...
Ngân sách Thủ đô mặc dù có nguồn thu lớn nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư phát triển trong thời gian qua và những năm tới.
Hiệu quả sản xuất nông nghiệp nói chung còn thấp, quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng, giá trị chưa cao; cơ cấu sản xuất chưa bền vững, chưa phù hợp với đặc điểm tự nhiên và điều kiện phát triển tại một đô thị đặc biệt. Công tác xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả tích cực, tuy nhiên các tiêu chí đạt còn chưa bền vững; điều kiện sống ở khu vực nông thôn còn có khoảng cách với thành thị.
Quá trình triển khai công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của thành phố gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến không đủ điều kiện triển khai, không bảo đảm mục tiêu đã đề ra… Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có quy mô còn nhỏ (76,6% vốn dưới 5 tỷ đồng); sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã còn yếu; mô hình liên hiệp hợp tác xã hiệu quả chưa cao. Năng lực tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất của nhiều hợp tác xã còn hạn chế.
Ngoài ra, thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Chưa có nhiều các dự án đầu tư FDI trong các ngành có hàm lượng khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao. Mức độ chuyển giao công nghệ còn chậm. Việc liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa hiệu quả. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp. Hầu hết vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chế biến và chế tạo.
Sau 15 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, vẫn còn tồn tại những hạn chế, thách thức mà thành phố Hà Nội cần tiếp tục tập trung khắc phục trong thời gian tới. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Đáng chú ý, công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ, còn gặp nhiều vướng mắc. Việc bố trí khu vực phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại chưa hợp lý, thiếu đồng bộ về chất lượng chung giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội tại cùng một khu vực.
Ùn tắc giao thông vẫn là nguy cơ thường trực; tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị rất chậm; tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng thấp (dưới 20%). Tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao; xây dựng hạ tầng giao thông chưa theo kịp tiến độ đô thị hóa và chưa đồng đều.
Ô nhiễm môi trường ở một số mặt còn gia tăng, đáng báo động (ô nhiễm không khí, nguồn nước). Công tác bảo vệ môi trường không theo kịp sự phát triển nhanh về kinh tế, tăng dân số ở Thủ đô. Việc đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, huy động nguồn lực đầu tư xã hội còn khiêm tốn. Tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề vẫn chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường nông thôn.
Tình trạng xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường vào các sông, ao, hồ, kênh mương còn diễn biến phức tạp; chất lượng môi trường nước mặt sông Tô Lịch, một số đoạn sông Nhuệ - Đáy, Cầu Bây... ô nhiễm nghiêm trọng; chậm xử lý ô nhiễm, khơi thông dòng chảy các con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, Nhuệ, Đáy… Úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành và một số khu vực đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra...
Thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững, một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom và xử lý triệt để, thiếu công nghệ hiện đại, chủ yếu xử lý bằng chôn lấp không hợp vệ sinh gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, dự án nghĩa trang, cơ sở hỏa táng... còn chậm tiến độ.
Lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế-xã hội
Để khắc phục những hạn chế, thách thức nêu trên, thành phố Hà Nội đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp mang tầm chiến lược cho những năm tiếp theo.
Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hà Nội tập trung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ủy ban nhân dân thành phố nêu cao quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”, là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, Thành phố kết nối toàn cầu, Thành phố sáng tạo.
Hà Nội quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng và phát triển, trở thành Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”, là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, thành phố kết nối toàn cầu. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Đồng thời, phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước; huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Thành phố cơ cấu lại ngân sách theo hướng ổn định, lâu dài, để tạo nguồn lực phát triển; hình thành các mô hình mới huy động nguồn lực hiệu quả như PPP, TOD; và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai, con người và quy hoạch để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Cùng với đó, thành phố khuyến khích việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nhằm giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và các vấn đề dân sinh bức xúc. Có cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy giải quyết triệt để các dự án chậm triển khai, nhất là các dự án được phê duyệt từ trước thời điểm Hà Nội điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên sử dụng hiệu quả các nguồn lực trí tuệ - sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; không ngừng nâng cao mức đóng góp của TFP và kinh tế số trong GRDP.
Hà Nội cũng sẽ xây dựng một số ngành - chuỗi sản phẩm công nghiệp, dịch vụ hiện đại đặc trưng, với sự dẫn dắt của các tập đoàn doanh nghiệp mạnh, thành những trụ cột phát triển của kinh tế Thủ đô; ưu tiên phát triển một số chuỗi sản xuất công nghiệp - công nghệ cao, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistics; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch văn hóa.
Thành phố đề ra kế hoạch triển khai hiệu quả các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt. Đồng thời, quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng ở ngoại thành phục vụ việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành.
Thành phố sẽ tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh lan toả từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh… (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Thành phố tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh lan toả từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.
Cùng với đó, thành phố đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển thủ đô: Thành phố, thị xã, quận, huyện, hành lang xanh - nông thôn; tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô, tạo ra chùm đô thị với các thành phố, thị xã trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, khu vực đô thị hình thành theo các tuyến đường vành đai, tuyến đường kết nối nội vùng, liên vùng, tuyến đường sắt đô thị làm đối trọng và giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.
Thời gian tới, thành phố đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Đồng thời, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, để bản sắc Hà Nội trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang tích cực chỉ đạo lấy ý kiến dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô, đề xuất đưa nội dung sửa đổi Luật Thủ đô vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 (dự kiến trình phê duyệt trong tháng 10/2023).