Những ngày tháng 7, khi dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ đang đến gần, Di tích Nhà tù Hỏa Lò (phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm), nơi thực dân Pháp từng giam cầm hàng nghìn chiến sĩ cách mạng, chí sĩ yêu nước trở thành không gian để ôn lại những câu chuyện xưa về sự ra đời, phát triển của Đảng và phẩm cách của những người chiến sĩ cách mạng với trưng bày chuyên đề "Thắp ngọn lửa hồng". Hàng trăm hiện vật, hình ảnh tại trưng bày được chia làm ba nội dung: "Tiếng súng mở đầu", "Trọn một lời thề" và "Dấu xưa vang mãi".
Bước vào không gian trưng bày đầu tiên có nội dung "Tiếng súng mở đầu", Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò giới thiệu vai trò, ý nghĩa về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các tài liệu, hiện vật đã khẳng định, trong bối cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất có thể tập hợp đông đảo quần chúng làm nên phong trào cách mạng. Những "tiếng súng mở đầu" qua các phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (năm 1930), phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ (1936-1939)…; tiếp đó là các cuộc khởi nghĩa lần lượt diễn ra ở ba miền: Khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9/1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11/1940), binh biến Đô Lương (tháng 1/1941). Đây chính là những tiếng súng báo hiệu cho những "trận đánh lớn" sau này.
Những "Tiếng súng mở đầu" đều thất bại. Cùng với đó, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp người dân, dựng trường bắn và xử tử hình nhiều đồng chí lãnh đạo của Ðảng. Với nội dung "Trọn một lời thề", phần trưng bày thứ hai giới thiệu về cuộc đời hoạt động và tấm gương của những lãnh tụ như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Hà Huy Tập và những bậc tiền bối cách mạng như các đồng chí: Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai… Dù bị tra tấn, đày ải trong lao tù, những người con ưu tú vẫn giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần đấu tranh kiên cường. Ngay khi phải ra pháp trường đối mặt với cái chết, các đồng chí vẫn hiên ngang, bất khuất, nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cách mạng; đó là tấm gương về sự hy sinh cao cả vì độc lập dân tộc. Nội dung "Dấu xưa vang mãi" đưa chúng ta về những địa điểm lịch sử, nơi những người con ưu tú của Đảng đã từng trải qua: Những ngôi nhà lưu niệm, những nơi kẻ địch từng dựng trường bắn… Tất cả những địa chỉ ấy nay đều là những "địa chỉ đỏ", góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ. Nhiệt huyết cách mạng, khí phách hiên ngang của những người chiến sĩ vẫn âm vang qua những lời nói, câu thơ và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Nhằm đổi mới nội dung trưng bày, Phó Trưởng ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu cho biết: "Trưng bày có nội dung thuyết minh kết hợp với âm thanh bổ trợ giúp khách tham quan như ngược dòng lịch sử để hiểu sâu sắc về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trong lao tù, sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc".
Sau khi tham quan các hình ảnh, hiện vật được trưng bày, giới thiệu, Giáo sư sử học Lê Văn Lan chia sẻ: "Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chọn lọc kỹ lưỡng các tài liệu, hiện vật trong phần nội dung. Cách giới thiệu các hiện vật, tài liệu được thể hiện khoa học và giàu tính mỹ thuật; qua đó, giúp lan tỏa tinh thần yêu nước, những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và những người đã tham gia chiến đấu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ".
Có mặt tại nơi trưng bày, ông Dương Tấn Minh, cán bộ bị tù đày tại Hỏa Lò chia sẻ, Trưng bày "Thắp ngọn lửa hồng" giúp ông nhớ lại thời thanh niên sôi nổi, tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội và bị địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò, chịu đựng nhiều đòn roi nhưng không bao giờ khuất phục.
Diễn ra trong dịp cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, trưng bày "Thắp ngọn lửa hồng" thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên đến từ các cơ quan, đơn vị, trường học. Đây là dịp để các bạn trẻ ôn lại truyền thống cách mạng và kế thừa "ngọn lửa hồng" từ các thế hệ đi trước.