Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, dự án được lên kế hoạch từ năm 2022 và bắt đầu được thực hiện từ đầu năm 2023. Anh cùng hiện có nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường, MC Hoàng Chung và nhạc sĩ Tùng Lâm (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Thọ) đã đến các phường xoan ở Phú Thọ, trò chuyện, ghi âm, ghi hình các nghệ nhân và đăng tải trên kênh YouTube Dân ca & nhạc cổ truyền do nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long sáng lập và vận hành.
Dịp đầu xuân Giáp Thìn, nhân ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, dự án được ra mắt trên kênh Youtube, đem đến cho công chúng các bài xoan chuẩn mực theo đúng lề lối xưa, để thưởng thức hoặc khai thác làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu hay các mục đích khác.
Các nghệ nhân phường xoan Thét. |
Các nghệ nhân được mời tham gia thuộc phường xoan Thét, một trong 4 phường xoan gốc đang hoạt động hiện nay tại xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho biết, ê kíp chọn phường xoan Thét bởi đây là phường xoan còn lưu giữ được nhiều bài hát cổ, đồng thời là một trong 4 phường xoan gốc có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nguồn gốc hình thành và quá trình nuôi dưỡng, phát huy nghệ thuật hát xoan.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, phường xoan Thét cũng là nơi có truyền thống gìn giữ và phát huy nghệ thuật xoan từ nhiều thế hệ. Hiện nay, phường xoan cũng tổ chức các lớp học hát xoan cho các cháu nhỏ yêu thích nghệ thuật xoan và có năng khiếu.
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (hàng đầu bên phải), trùm phường xoan Thét. |
Tham gia dự án lần này là các nghệ nhân xuất sắc của phường xoan Thét đồng thời cũng là của nghệ thuật hát xoan hiện nay gồm: Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (trùm phường), Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngà, Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Nhàn. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của nghệ nhân Nguyễn Văn Thuyết, kép xoan trẻ Nguyễn Minh Trí (sinh năm 2005).
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, hát xoan chia thành 3 chặng hát chính là hát Thờ, hát Quả cách và hát Hội. Ở dự án, lần đầu tiên toàn bộ 13 bài hát thuộc chặng hát Quả cách được ghi âm và giới thiệu tới người nghe, cùng với 3 bài hát thuộc chặng hát Thờ gồm các bài “Nhập tịch mời vua”, “Thơ nhang” và “Đóng đám”.
Toàn bộ những bài xoan này được nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường thực hiện phần thu âm theo cách dân dã nhất, gần gũi nhất. Anh đã đem toàn bộ trang thiết bị thu âm từ Hà Nội về Phú Thọ và ghi âm ngay tại nhà bà trùm phường xoan Thét Bùi Thị Kiều Nga. “Thu âm hát xoan cần những âm thanh mộc nhất, tạo cho khán giả cảm giác như được nghe trực tiếp các nghệ nhân hát, đó là mong muốn của chúng tôi khi thực hiện dự án này”, Phan Thanh Cường chia sẻ.
Phần hình ảnh được ê kíp ghi lại tại 4 di tích lịch sử có liên quan trực tiếp tới Hát xoan là Miếu Lãi Lèn (Phường Xoan Phù Đức), đình Thét (Phường Xoan Thét), đình Kim Đới (Phường Xoan Kim Đới) và đình An Thái (Phường Xoan An Thái). Cả 4 di tích đều nằm trong địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Phần hình được thực hiện với mục đích là hình nền minh họa, giới thiệu các di tích lịch sử liên quan trực tiếp đến hát xoan.
Nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường cũng cho biết, điều mà êkip luôn trăn trở là làm sao giữ được chất mộc mạc, chất dân gian của nghệ thuật hát xoan khi thu âm lại! Ví dụ như tại phường xoan Thét, các nghệ nhân hát và chơi nhạc cụ sống hoà cùng với nhau, tuy rất mộc mạc nhưng lại rất độc đáo, nếu tách ra thu từng người thành từng track rồi ghép lại với nhau sẽ bị cảm giác rất “điện tử” và không còn giữ được nguyên vẹn cảm xúc tại không gian Đình làng nữa! Vì thế êkip đã sắp đặt vị trí micro theo không gian khi thu âm để các nghệ nhân thoải mái diễn xướng cùng nhau, mà vẫn ra được tiếng trống, tiếng nghệ nhân hát hòa quyện.
Chia sẻ về di sản xoan của quê hương, Nghệ nhân ưu tú, Trưởng phường xoan Thét Bùi Thị Kiều Nga nói: “Chúng tôi là những người gìn giữ di sản kế tiếp của các cụ nghệ nhân, là những người trao truyền di sản này cho các thế hệ sau. Vì thế chúng tôi rất vui khi được tham gia dự án để lan tỏa nghệ thuật hát xoan tới mọi người, để công chúng biết đến, hiểu và yêu nghệ thuật hát xoan hơn”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long trò chuyện cùng các nghệ nhân xoan. |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long vốn là người rất có duyên với xoan. Anh từng nhiều lần thực hiện các dự án giới thiệu hát xoan cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Phú Thọ và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1 và VTVcab). Năm 2013, lần đầu tiên anh thực hiện bộ 2 DVD “Hát Xoan Phú Thọ - 26 bài xoan cổ” do Nhà nước đặt hàng, Nhà xuất bản Âm nhạc - Dihavina thực hiện. Nguyễn Quang Long chia sẻ, mong muốn của anh là ghi lại, lưu giữ và lan tỏa được tất cả những bài hát xoan của các phường xoan Phú Thọ, để công chúng hiểu được vẻ đẹp của di sản xoan.
Dự án 100% xã hội hóa, do nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long làm chủ nhiệm, Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup đồng hành cùng một phần trong dự án.