Đưa hát Xoan vào trường học ở Phú Thọ

NDO -

NDĐT- Với mục tiêu năm 2016, tỉnh Phú Thọ sẽ trình UNESSCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, chính thức trở thành di sản đại diện của nhân loại, trong những năm qua, Phú Thọ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Xoan. Một trong những giải pháp quan trọng chính là đưa hát Xoan vào dạy tại các trường học trên địa bàn.

Buổi học ngoại khóa hát Xoan của học sinh Trường Tiểu học Kim Đức, thành phố Việt Trì.
Buổi học ngoại khóa hát Xoan của học sinh Trường Tiểu học Kim Đức, thành phố Việt Trì.

Giữ cho muôn đời sau

Ngày đầu tuần, những câu Xoan mượt mà, đằm thắm được các học sinh cất lên trong giờ học ngoại khóa ở trường Đinh Tiên Hoàng, TP Việt Trì đã trở nên quen thuộc. Từ hoạt động này, các học sinh không chỉ học, hiểu và biết hát Xoan mà còn tích cực tham gia các chương trình hội thi, hội diễn góp phần tuyên truyền, quảng bá và giữ gìn, bảo tồn di sản hát Xoan. Nhiều học sinh tỏ ra rất hứng thú với loại hình nghệ thuật này.

Em Trần Thái Dương, học sinh lớp 5E trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho biết, từ khi được học hát xoan con cảm thấy rất là hứng thú và yêu thích những điệu hát xoan cổ. Hiện nay, em không chỉ thuộc các câu xoan cải biên mà em còn thuộc cả những bài xoan cổ. Xoan cổ tuy hơi khó học nhưng chúng em thường động viên nhau cố gắng học để gìn giữ lấy di sản quý báu này.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mai, giáo viên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho biết thêm, thời gian đầu, do đối tượng giảng dạy là học sinh tiểu học nên trong những ngày đầu đưa hát Xoan vào giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn, tôi và các đồng nghiệp cũng bằng với các phương pháp chuyên môn nghiệp vụ của mình và chọn một số bài hát phù hợp với tầm ngữ giọng của các em để truyền dạy, tránh tình trạng truyền dạy khô cứng, qua đó sẽ gây được niềm say mê hứng thú ở các em học sinh, đồng thời giúp cho các em hát được nhiều bài Xoan hơn.

Trường Trung học cơ sở Phượng Lâu, thành phố Việt Trì là một trong bốn cái nôi của phường Xoan gốc nên nhà trường đã sớm đưa Xoan vào chương trình học và các phong trào văn hóa văn nghệ. Năm học 2010 - 2011, hát Xoan đã được nhà trường đưa vào triển khai trong nhà trường. Trường thành lập Câu lạc bộ hát Xoan bao gồm những cây văn nghệ nòng cốt, có khả năng trình diễn tốt các điệu Xoan cổ - đây là điểm nổi bật bởi không phải bất cứ ai học hát Xoan cũng hát Xoan cổ được.

Đưa hát Xoan vào trường học ở Phú Thọ ảnh 1

Dạy hát Xoan tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì.

Em Bùi Thị Minh Thu, học sinh lớp 7A trường THCS xã Phượng Lâu cho biết, ngoài giờ âm nhạc trên lớp, nhà trường còn tổ chức nhiều buổi ngoại khóa hướng dẫn các em tìm hiểu về về lịch sử, ý nghĩa của hát Xoan, mời các nghệ nhân hát Xoan về biểu diễn và truyền dạy. Chúng em cũng luôn xác định gìn giữ Xoan là gìn giữ nét văn hóa đặc sắc vùng đất Tổ, vì vậy dù khó khăn đến đâu chúng em cũng sẽ cố gắng học hỏi để học thuộc càng nhiều bài hát xoan càng tốt.

Thầy giáo Tạ Đức Thịnh, hiệu trưởng Trường THCS Phượng Lâu cho biết thêm, để Xoan không bị mai một và giữ được đặc trưng của nó, cần đầu tư hơn nữa để các em học sinh có thể dễ dàng tiếp thu, học hỏi và tạo điều kiện để các em được tới các phường Xoan cổ, được thấy các nghệ nhân trình diễn Xoan trong không gian nghệ thuật của mình. Điều đó giúp cho Xoan giữ đúng được bản sắc, tránh tình trạng truyền dạy khô cứng, qua đó sẽ gây được niềm say mê hứng thú ở các em học sinh, đồng thời giúp cho các em hát được nhiều bài Xoan hơn.

Tạo sức lan tỏa của hát Xoan

Việc đưa hát Xoan vào trường học chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh Phú Thọ xác định nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan giai đoạn 2012 - 2015. Sở GD và ĐT Phú Thọ đã xây dựng và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục và tổ chức dạy học hát Xoan ở các trường học để triển khai tới 100% các đơn vị giáo dục trong tỉnh. Hiện đã có 100% các trường tiểu học, Trung học cơ sở và trung học phổ thông trong tỉnh đã thực hiện dạy hát Xoan tại trường. Điều đó cho thấy việc đưa Xoan vào trường học đã có nhiều tín hiệu đáng mừng.

Thầy giáo Phạm Đức Chiển, Phó Trưởng phòng giáo dục trung học (Sở GD và ĐT Phú Thọ) cho biết, có thể khẳng định, phong trào tìm hiểu về Hát Xoan, học hát Xoan ở Phú Thọ đang diễn ra sôi nổi trong các trường học đã thể hiện tính hiệu quả, đúng đắn của của chủ trương đưa hát Xoan vào giảng dạy. Đây không chỉ là tín hiệu vui trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa quý báu của nhân loại trong thế hệ trẻ mà còn góp phần thiết thực vào việc đưa hát Xoan thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp để trở thành di sản đại diện của nhân loại.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo để tiếp tục đưa Hát Xoan vào dạy trong trường học. Theo đó, đơn vị sẽ cung cấp thêm cho các trường học tài liệu hướng dẫn hát Xoan. Đơn vị cũng đã có chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn cho các Câu lạc bộ hát Xoan, các Nhà văn hóa địa phương để mở những lớp dạy hát Xoan cho các em học sinh, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè; đồng thời, mời các nghệ nhân tập huấn để đưa hát Xoan thực sự lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ.