Hát xoan: Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục

NDO -

NDĐT – Được đưa vào danh sách Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2011, nhưng chỉ sau sáu năm, hát xoan đã ra khỏi danh sách này. Số lượng người có khả năng trình diễn đã tăng lên, và những bạn trẻ, kể cả những cháu thiếu nhi cũng đã thuộc lòng và trình diễn thành thạo.

Trình diễn hát xoan ở Phú Thọ. Ảnh: DUY LINH
Trình diễn hát xoan ở Phú Thọ. Ảnh: DUY LINH

Năm 2011, hát xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Năm 2013, Chính phủ phê duyệt đề án bảo vệ hát xoan đến năm 2020, và cứ như thế, mọi việc được thực hiện theo đề án. Hàng loạt biện pháp đã được đưa ra như kết hợp truyền dạy hát xoan, đào tạo về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, phục hồi không gian cần thiết để thực hành di sản, sưu tập các tài liệu văn học trên thực tế và công bố cho các mục đích giáo dục và giới thiệu di sản trong trường học.

Hát xoan: Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục ảnh 1

Vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ và phục hồi hát xoan cũng vô cùng quan trọng. Bốn phường xoan của Phú Thọ từ những năm 1980 đến nay đã cung cấp kiến thức và liên tục thực hành, cùng với quảng bá hát xoan đi nhiều nơi, và những hoạt động này đã giúp ích rất nhiều cho việc khôi phục hát xoan.

Hát xoan: Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục ảnh 2

Bản thân thành viên các phường Xoan và cộng đồng, các học viên và các tổ chức có liên quan cũng đã tham gia tích cực vào việc chuẩn bị Báo cáo định kỳ quốc gia, nhiệt tình tham gia vào các cuộc phỏng vấn, thảo luận và hội thảo.

Hát xoan: Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục ảnh 3

Cũng không thể không kể đến vai trò của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền. Sau khi đề án bảo vệ hát xoan được Chính phủ phê duyệt, Nhà nước đã đầu tư khá nhiều vốn và nguồn nhân lực vào việc bảo vệ truyền thống. Các biện pháp bảo vệ được đề xuất là thực tế và khả thi, thí dụ như thành lập quỹ bảo vệ xoan, hỗ trợ cho mỗi hội xoan, phục hồi không gian xoan, tổ chức các các khoá tập huấn, các lễ hội có trình diễn xoan, xuất bản sách, tài liệu về hát xoan và xây dựng các chương trình truyền thông thường xuyên. Di sản này cũng thường xuyên được kiểm kê, khảo sát do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Cục Di sản văn hoá, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản văn hoá Việt Nam và Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp thực hiện...

Hát xoan: Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục ảnh 4

Nếu như năm 2009, bốn phường xoan ở Phú Thọ có khoảng 100 người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, với hơn một nửa trong số đó là các cụ hơn 60 tuổi thì đến nay, các phường đã có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (tuổi từ 80 đến 104), chỉ có bảy người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của hát xoan. Đến nay, vào thời điểm tháng 12-2017 khi UNESCO đưa hát xoan ra khỏi danh sách Di sản cần bảo vệ khẩn cấp, tổng số 62 người kế nhiệm đã được đào tạo và đều được trang bị đầy đủ để dạy các bài bản của hát xoan. Số lượng thanh thiếu niên tham gia phát triển nhanh.

Hát xoan: Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục ảnh 5

GS. TSKH Tô Ngọc Thanh cho biết, hát xoan là một nghi thức cổ gắn với tín ngưỡng thờ vua Hùng, cho nên muốn bảo tồn thì phải giữ nguyên vẹn tính chất cổ xưa của nghi thức này.

Hát xoan: Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục ảnh 6

Hội xoan. Ảnh: VŨ MẠNH CƯỜNG

Nhờ những nỗ lực của Nhà nước và cộng đồng, vào hồi 10 giờ 52 phút giờ địa phương (8 giờ 52 phút giờ Việt Nam) ngày 8-12-2017, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, hát xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát xoan: Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục ảnh 7

Lớp nghệ nhân xoan trẻ. Ảnh: NGUYỄN THẾ BẰNG

Mặc dù vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, nhưng điều này cũng đã là một tín hiệu đáng mừng, và cũng là một cách làm để nhiều loại hình nghệ thuật cổ khác đang đứng trước tình trạng mai một tương tự tham khảo. Xoan thật sự đã như một cây cổ thụ khô bắt đầu cho những chồi xanh mơn mởn.

Hát xoan gồm hát và múa như là một cách thờ cúng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị vua Hùng. Các học viên Xoan được tổ chức thành các phường hát, với người đứng đầu được gọi là “Trùm”, là người bảo tồn các bài hát, chọn đệ tử, truyền dạy bài bản, phong cách hát và tổ chức các hoạt động của phường.