Giữ gìn bản sắc văn hóa khi lên quận

Với định hướng chung là phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhưng quá trình triển khai Chương trình số 06-CTr/TU lại mang những đặc thù riêng của từng địa phương. Tại những địa bàn ven đô, việc triển khai Chương trình số 06 đang được các huyện gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa của các địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Múa trống bồng, một điệu múa cổ truyền được gìn giữ, phát huy tại huyện Thanh Trì.
Múa trống bồng, một điệu múa cổ truyền được gìn giữ, phát huy tại huyện Thanh Trì.

Nằm ở phía nam thành phố, những năm gần đây, huyện Thanh Trì là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa rất cao. Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thanh Trì đã triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong hoàn thiện thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn di sản…

Hiện nay, ba trong số 16 xã, thị trấn có Trung tâm văn hóa và thể thao được xây dựng đạt chuẩn; huyện đang triển khai tổng số 13 dự án đầu tư xây dựng mới trung tâm văn hóa thể thao xã. Ðối với hệ thống nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, huyện có 109 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tại 100 thôn, tổ dân phố; 98% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng, trong đó, hơn 50% số nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Huyện đã đầu tư triển khai 62 dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử.

Huyện đã tập trung nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua và thực hiện tốt Quy tắc ứng xử; xây dựng mô hình mỗi cơ quan, công sở, trường học là một địa chỉ văn hóa; tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn huyện. Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa cao, làm gia tăng dân số cục bộ ở một số địa bàn, gây ra gánh nặng cho hạ tầng kỹ thuật của huyện; hạ tầng văn hóa, giáo dục còn hạn chế, cho nên đời sống văn hóa tinh thần còn khó khăn, chênh lệch. Ðây là thách thức không nhỏ đặt ra với Thanh Trì trong quá trình phát triển thành quận trong những năm tới.

Cũng có nhiều nét tương đồng với Thanh Trì là huyện Gia Lâm, khi là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao. Hiện tại huyện Gia Lâm đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Ðề án thành lập quận Gia Lâm. Triển khai Chương trình 06-CTr/TU, hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở từng bước được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả. Toàn huyện hiện có chín trong số 22 xã, thị trấn có Trung tâm văn hóa và thể thao đạt chuẩn; 162 trong số 164 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 30 sân vận động, 67 sân bóng đá mi-ni và hàng trăm sân tập thể thao, 320 điểm lắp đặt các thiết bị thể dục thể thao ngoài trời…

Huyện đã chỉ đạo xây dựng và triển khai hiệu quả đề án “Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025”. Huyện đã chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa: thực hiện kiểm kê hiện vật, lập hồ sơ khoa học tại 221 di tích; dập, dịch các tư liệu Hán-Nôm tại 121 di tích; tích hợp ứng dụng thuyết minh tự động, giới thiệu di tích bằng tiếng Việt, tiếng Anh qua QR code và App GiaLam Audio Guide đối với 105 di tích...

Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm

Tuy nhiên, khi “lên quận”, không ít thách thức đặt ra cho Gia Lâm trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Những ngôi làng cổ như: Bát Tràng, Dương Xá, Phú Thị, Phù Ðổng… với nhiều di sản, phong tục đẹp có nguy cơ bị ảnh hưởng, thậm chí mai một.

Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đang triển khai đợt kiểm tra công tác thực hiện Chương trình 06-CTr/TU phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tại các quận, huyện, sở, ngành, trong đó, có việc kiểm tra tại các huyện ven đô, những địa bàn chuẩn bị lên quận. Ðại diện Ban Chỉ đạo cũng như các sở, ngành đều đề xuất việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình 06-CTr/TU để vừa bảo tồn bản sắc văn hóa khi lên quận, vừa góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa.

Thí dụ như ở Bát Tràng, việc bảo tồn di sản văn hóa gồm các di tích, kiến trúc làng cổ, tri thức nghề gốm… kết hợp xây dựng đời sống văn hóa giúp người dân ý thức hơn về văn hóa quê hương; đồng thời, lại biết tạo dựng môi trường văn hóa, qua đó thu hút khách du lịch. Làm việc với huyện Thanh Trì, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, hiếu học với những làng khoa bảng.

Tuy nhiên, việc lên quận sẽ tác động đến việc phân bổ dân cư, văn hóa, lối sống, nhất là các làng, xã cổ truyền. Huyện Thanh Trì cần có đề án cụ thể về khai thác, phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa; quan tâm xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và nông thôn mới thực chất hơn, nhất là về vấn đề môi trường; tiếp tục quan tâm thiết chế văn hóa cơ sở tại các trường học, khu dân cư; cân đối việc quan tâm các di tích, nhất là di tích cách mạng, kháng chiến, đẩy mạnh số hóa để trên cơ sở đó phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống đưa vào trường học.