“Giữ đất” cho không gian xanh, cảnh quan đô thị

Tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương về Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội (Quy chế). Quy chế mới này sẽ giải quyết những bất cập sau chín năm triển khai Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội, đáp ứng công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00

Được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã cơ bản hoàn thành phần thuyết minh và dự thảo quy chế, hiện đang tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Quy chế hướng tới mục tiêu quản lý kiến trúc, cảnh quan và thực hiện quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng kiến trúc của Thủ đô; đồng thời, cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô Hà Nội và của từng khu vực quản lý trên địa bàn thành phố.

Trong báo cáo thẩm tra, Trưởng ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Đàm Văn Huân lưu ý, Quy chế cần làm rõ hơn giữa nội dung về quản lý kiến trúc và quản lý kiến trúc cảnh quan. Một nhiệm vụ quan trọng khác là Quy chế cần nhấn mạnh nội dung về giữ quỹ đất cho phát triển công viên, hành lang xanh, không gian xanh đô thị...

Bên cạnh các quy định về màu sắc, vật liệu hoàn thiện cho kiến trúc, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về màu sắc, vật liệu hoàn thiện hè đường, các công trình cảnh quan, lựa chọn chủng loại cây xanh phù hợp đặc trưng của từng không gian.

Theo dự thảo, Quy chế gồm bốn chương, 17 điều và chín phụ lục, quy định về quản lý kiến trúc cho những khu vực, tuyến đường; xác định yêu cầu bản sắc văn hóa trong kiến trúc; xác định khu vực cần lập thiết kế đô thị riêng, tuyến phố, khu vực cần ưu tiên chỉnh trang, khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù... quy định về quản lý kiến trúc các loại hình công trình, công trình hạ tầng; quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị…

Các khu vực có ý nghĩa quan trọng về kiến trúc tại khu vực nội đô lịch sử gồm: Trung tâm chính trị Ba Đình; Khu vực di tích Trung tâm Hoàng Thành-Thăng Long; Khu vực Hồ Gươm và phụ cận; Khu vực phố cổ Hà Nội; Khu vực phố cũ Hà Nội; Khu vực hồ Tây và phụ cận.

Đơn cử, tại Khu vực phố cũ Hà Nội, dự thảo Quy chế xác định năm tuyến đường có giá trị không gian cảnh quan, có nhiều công trình có giá trị, có cấu trúc đặc trưng kiểu “thành phố vườn”, gồm các tuyến phố: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh. Hai tuyến phố có giá trị đặc trưng nhà phố là tuyến phố Bà Triệu, Hàng Bài.

Định hướng về quản lý kiến trúc đối với khu vực phố cũ là bảo tồn và phát huy các công trình có giá trị, cải tạo không gian để tái cấu trúc không gian “thành phố vườn” đặc trưng, bảo tồn không gian trống lớp ngoài. Riêng đối với các tuyến phố mang đặc trưng nhà phố, cải tạo không gian để tạo tuyến phố thương mại điển hình. Đối với các công trình cải tạo và xây dựng mới, quản lý kiến trúc theo thiết kế đô thị khu vực cụ thể và quy chế quản lý kiến trúc; khuyến khích khai thác không gian ngầm.

Theo dự thảo Quy chế, tại Khu vực phố cũ Hà Nội, quy mô xây dựng các công trình có tầng cao đặc trưng từ 4 đến 6 tầng (từ 16 đến 22m), theo quy hoạch chung được duyệt chiều cao tối đa với lớp công trình ở mặt phố từ 3 đến 5 tầng (từ 9 đến 20m), lớp phía sau tối đa 4-6-7-8 tầng (16-22-26-30m). Số tầng cao công trình cụ thể xác định theo chức năng sử dụng đất và ô quy hoạch tuân thủ định hướng tại quy hoạch phân khu được duyệt.

Việc xây dựng các công trình cao trên 6 tầng (22m) căn cứ theo chỉ tiêu tối đa định hướng của ô quy hoạch tại quy hoạch phân khu đô thị được duyệt. Đối với các khu đất có chiều rộng từ 7m trở lên, chiều sâu so với chỉ giới đường đỏ từ 16m trở lên khi bảo đảm một số điều kiện về giao thông, phòng cháy, chữa cháy, có thể được xem xét xây dựng công trình cao 8 tầng (30m). Tuy nhiên, quy mô 8 tầng chỉ áp dụng với các công trình có chức năng dịch vụ, thương mại, khách sạn…, không áp dụng với công trình nhà ở riêng lẻ.

Các tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội có thể xây dựng công trình cao tầng là: Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Yên Phụ… Tầng cao tối đa theo định hướng quy hoạch phân khu đô thị được duyệt. Tổng chiều cao công trình xác định theo quy định hiện hành.