Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng biên

Với đặc điểm là địa phương sở hữu kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo; là huyện có hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc H’Mông, Khơ Mú, Thái, Lào..., cho nên trong những năm qua, huyện biên giới Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) luôn quan tâm công tác bảo tồn và phát huy thế mạnh, giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc của địa phương; qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển chung.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh dân tộc Thái, Khơ Mú ở huyện Sốp Cộp thêu khăn piêu và hoa văn bằng chỉ mầu trên vải truyền thống.
Học sinh dân tộc Thái, Khơ Mú ở huyện Sốp Cộp thêu khăn piêu và hoa văn bằng chỉ mầu trên vải truyền thống.

Tại huyện biên giới Sốp Cộp, mỗi dân tộc sinh sống tại các xã, bản có một nét văn hóa đặc trưng, được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống, như: “Xên bản, xên mường”, “cầu mùa” của dân tộc Thái; “Khẩu hó” của dân tộc Lào và “Khoai lang, khoai sọ” của đồng bào Khơ Mú…

Do vậy, trong thời gian qua, các cấp, các ngành của huyện đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” với những giải pháp và chỉ đạo cụ thể. Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện chỉ đạo gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp khai thác và phát huy nét văn hóa đặc trưng.

Một điểm mới là huyện Sốp Cộp đã phối hợp với các sở, ngành và các nghệ nhân trong tỉnh… tìm hiểu, nghiên cứu và sưu tầm giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người dân, cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại các cơ sở.

Bên cạnh đó, huyện quan tâm duy trì và phát triển các nét đẹp văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống như múa xòe, múa sạp, ném còn, tó má lẹ của dân tộc Thái; múa khèn, ném pa pao, tu lu của dân tộc H’Mông, múa lăm vông của dân tộc Lào, múa Vêlr Guông (Au Eo), điệu Tơm; các nghề truyền thống như thêu may trang phục dân tộc, nghề rèn, món ăn đặc sắc của người Thái, Lào, H’Mông, Khơ Mú…

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sốp Cộp Tòng Thị Quyên cho biết: Trên địa bàn có gần 90% số bản có nhà văn hóa và được trang bị thiết chế văn hóa; duy trì hiệu quả hoạt động của 178 đội văn nghệ tại các bản và các lễ hội được tổ chức theo nếp sống văn minh, bảo đảm đúng quy định.

Cùng với đó các xã, bản thường xuyên động viên, khích lệ hạt nhân văn hóa dân gian tham gia đội văn nghệ, truyền dạy những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ. Ðồng thời, huyện duy trì tốt việc lồng ghép đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào các tiết học, hoạt động ngoại khóa của các nhà trường.

Chia sẻ thêm về việc lồng ghép những nét đẹp truyền thống của các dân tộc vào các giờ học ngoại khóa, thầy giáo Lường Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông huyện Sốp Cộp cho rằng: Ngoài quy định học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc vào thứ hai hằng tuần, các giáo viên bộ môn trong nhà trường còn tích hợp, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc qua từng môn học.

Trường cũng tổ chức dạy thêu, may thổ cẩm trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp dạy nghề phổ thông; thường xuyên tổ chức các hoạt động tìm hiểu, giao lưu văn hóa để học sinh trao đổi học tập, tham gia vào việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc của địa phương.

Với mục tiêu nâng cao hơn nữa nhận thức về các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư, Sốp Cộp đã và đang tiếp tục có nhiều giải pháp khôi phục và phát triển một số lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, loại bỏ các hủ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến đậm bản sắc dân tộc….