Gìn giữ làng nghề cao khô truyền thống ở Lạng Sơn

Thôn Chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) xưa kia vốn là một làng nghề truyền thống có nghề làm cao khô (phở khô) nổi tiếng các vùng quê trong tỉnh. Một thời gian dài, làng nghề tưởng như đã tắt bếp lò nấu cao khô nhưng giờ đây lại rộn ràng hơn xưa, nhờ những bàn tay cần mẫn, tin yêu quyết giữ lấy làng nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Lý Anh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã cao khô Chợ Bãi (Yên Phúc, Văn Quan, Lạng Sơn) kiểm tra sản phẩm trước khi đóng gói.
Anh Lý Anh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã cao khô Chợ Bãi (Yên Phúc, Văn Quan, Lạng Sơn) kiểm tra sản phẩm trước khi đóng gói.

Xã Yên Phúc có 16 hộ phát triển nghề làm cao khô, tập trung ở các thôn Chợ Bãi 1 và Chợ Bãi 2. Bình quân mỗi ngày các hộ làm cao khô ở đây cung cấp ra thị trường hàng nghìn bó cao khô. Năm 2020, sản phẩm cao khô Chợ Bãi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, từ đó thị trường tiêu thụ được mở rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh...

Vào những ngày này, cả thôn Chợ Bãi bận rộn với các công đoạn làm cao khô. Anh Lý Anh Tuấn, ở thôn Chợ Bãi 1 chia sẻ: Gia đình tôi có truyền thống làm nghề cao khô, nhưng trước kia chỉ làm thủ công, sản xuất nhỏ, lẻ. Có thời gian gia đình đã có ý định từ bỏ nghề làm cao khô vì quá vất vả, thu nhập không cao. Nhưng tôi luôn trăn trở làm thế nào để giữ lấy nghề mà cha ông để lại và phải làm sao nâng cao năng suất, mở rộng quy mô và quảng bá sản phẩm cao khô ra thị trường bên ngoài để tăng thu nhập...

Năm 2013, với số vốn tích lũy được, gia đình anh vay thêm 30 triệu đồng để mua máy nghiền bột, máy tráng bánh và máy thái bánh trị giá gần 300 triệu đồng. Việc đưa máy móc vào sản xuất đã giúp gia đình giảm chi phí sản xuất và sức lao động. Nếu như trước đây, mỗi ngày, gia đình chỉ làm được khoảng 30 kg gạo thì bây giờ đã làm được 200 đến 300 kg gạo, tương ứng với hơn 800 đến 1.000 bó cao thành phẩm, với giá bán từ 4.000 đồng đến 7.000 nghìn đồng/bó.

Theo anh Tuấn, để làm ra cao khô thành phẩm phải qua nhiều công đoạn kỳ công. Ðầu tiên phải chọn được gạo bao thai ngon, tiếp đến là các công đoạn nghiền bột, tráng bánh, phơi ròng ba tiếng rồi ngâm trong nước sạch, sau đó thái mỏng thành sợi, phơi khô, cuối cùng mới bó thành bó cao khô thành phẩm.

Sau một thời gian mở rộng thị trường, cao khô của gia đình được nhiều khách hàng biết đến, không chỉ tiêu thụ ở trong xã mà còn được bán buôn, bán lẻ sang các tỉnh, thành phố khác như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho ba đến năm lao động là những người trong xã.

Năm 2020, anh cùng 15 thành viên khác thành lập Hợp tác xã Cao khô Chợ Bãi. Từ đó, anh cùng các thành viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cao khô, tìm thị trường tiêu thụ, thiết kế, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Năm 2020, sản phẩm cao khô của hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.

Ông Chu Văn Vượng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Từ năm 2021, huyện đã ban hành Quyết định Phê duyệt Ðề án phát triển làng nghề huyện Văn Quan giai đoạn 2021-2025. Theo đó trong thời gian tới, huyện định hướng các xã tập trung duy trì, mở rộng nghề truyền thống; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đủ điều kiện tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Việc phát triển các nghề, làng nghề trên cơ sở ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm mẫu mã, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh. Ðồng thời, chọn lọc, lựa chọn phát triển nghề, làng nghề có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của mỗi xã, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.