Kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh được nhiều địa phương lựa chọn là nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Ở chiều ngược lại, thành phố cũng tạo nhiều điều kiện, dư địa để các đơn vị, doanh nghiệp kết nối đưa các sản phẩm đến với thị trường thế giới như một trung tâm trung chuyển, kết nối hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm OCOP tham gia tại triển lãm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Sản phẩm OCOP tham gia tại triển lãm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Nơi hội tụ sản phẩm OCOP

Vừa mới đưa vào hoạt động một tuần, Trung tâm Dịch vụ thương mại nông nghiệp phía nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã kết nối thành công đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP đạt 4 sao với doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ nhập khẩu bún Huỳnh Đất (Hậu Giang), nui, phở, nước tương của Sen Hồng; Hàn Quốc trà mãng cầu sim của Tiền Giang.

Điểm kết nối được đặt tại 135A Pasteur (Quận 3) trưng bày hơn 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao tiềm năng của nhiều tỉnh, thành phố. Đây là mô hình đầu tiên tại thành phố phát triển sản phẩm OCOP như xây dựng thành chuỗi cửa hàng giới thiệu, trở thành nhịp cầu kết nối người sản xuất với người tiêu dùng vừa hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác trong và ngoài nước, góp phần thay đổi nhận thức và cách tiếp cận của người tiêu dùng.

Với sản phẩm trưng bày là bánh phồng tại điểm kết nối, ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Cái Bát (Cà Mau) cho biết: Được sự kết nối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điểm kết nối trở thành nơi uy tín cho các khách hàng tiêu dùng và doanh nghiệp thương mại tìm nhà sản xuất. Trong tương lai, điểm kết nối cần hướng tới xây dựng một hệ sinh thái về sản phẩm OCOP sẽ phát triển bền vững hơn, giúp nâng tầm nông sản bản địa của Việt Nam.

Nhờ vậy, sản phẩm có thể ngày càng mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đưa vào hoạt động tháng 5/2023, sàn thương mại điện tử OCOP247.vn và chuỗi cửa hàng đặc sản quê hương OCOP247 (thành phố Thủ Đức) đã có hơn 300 mã sản phẩm đăng ký tham gia.

Nhờ phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP của nhiều địa phương lên sàn online.

Ông Dương Hoàng Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị sàn thương mại điện tử OCOP247.vn

Trong bối cảnh, nhiều sản phẩm OCOP chủ yếu từ hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho nên cơ hội tiếp cận thương mại điện tử quảng bá còn hạn chế. Dự kiến trong năm 2023, công ty sẽ triển khai thêm bốn điểm tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Lâm Đồng để thuận lợi bán hàng trực tuyến.

Từ các kênh kết nối này, hiện nay, thành phố cũng là một trong số ít các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP độc lạ đến từ các tỉnh, thành phố khác như trà pha lạnh của Thái Nguyên, nước sữa chế từ xơ mướp đến từ Đồng Tháp, trà hà thủ ô chế biến của Hà Nội…

Đa dạng hóa các sản phẩm

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ thương mại nông nghiệp phía nam Lê Thanh Chiến cho biết: Định kỳ, địa điểm tổ chức phiên chợ OCOP mỗi tuần; phối hợp với các siêu thị, trung tâm thương mại tổ chức phiên chợ OCOP mỗi quý/lần. Ngoài ra, điểm kết nối sẽ xây dựng không gian ẩm thực OCOP mỗi tuần một lần. Bên cạnh đó, các sản phẩm được trung tâm đưa lên thương mại điện tử, quảng bá trên nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook…

Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất sẽ được điểm kết nối hướng dẫn bán hàng trực tuyến, quảng bá trên các nền tảng xã hội. Đáng chú ý, chương trình “Hành trình đưa khách hàng đến với doanh nghiệp” giúp cho đơn vị tiếp cận thực tế công tác quản lý và quy trình sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Quá trình này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp hỗ trợ cho đơn vị sản xuất theo định hướng của thị trường. Thời gian tới, điểm kết nối mong muốn có nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ đến trưng bày để lan tỏa mô hình này góp phần quảng bá đến du khách.

Thành phố là địa phương đông dân, nhiều du khách cho nên việc tổ chức điểm kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP dễ thuận lợi tiếp cận với người tiêu dùng, doanh nghiệp thu mua. Thành phố cần nhân rộng thêm nhiều mô hình kết nối để tương lai trở thành trung tâm tiêu thụ, quảng bá sản phẩm OCOP. Hiện thành phố có 66 sản phẩm OCOP.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đinh Minh Hiệp

Để sản phẩm OCOP phong phú và đạt chất lượng cao, thành phố đang triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021-2025 với nhiều điểm mới như: Thay vì chỉ có năm huyện triển khai như trước đây, thành phố sẽ mở rộng ra tất cả các địa phương. Cùng với đó, sản phẩm OCOP cũng mở rộng thêm sáu lĩnh vực gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm-nội thất-trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, để có nhiều chủ thể tham gia vào Chương trình OCOP, thành phố thường xuyên tổ chức hội chợ, triển lãm biểu dương, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP còn được nhiều siêu thị Giga Market tại Trung tâm thương mại Gigamall (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) MM Mega Market… trưng bày.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn tiếp theo, đơn vị sẽ phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng vùng miền kết hợp du lịch để du khách trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm nhằm quảng bá, hướng đến xuất khẩu. Việt Nam hiện có 9.167 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, với 65% đạt 3 sao, 33% là 4 sao, còn lại là 5 sao.

Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.