Sơn La tập trung đánh giá hiệu quả thực chất của sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những chương trình trọng tâm đang được tỉnh Sơn La triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và tăng giá trị. Ðây cũng là giải pháp đang được Sơn La gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng hiệu quả, thiết thực và bền vững…
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La đến khách hàng.
Giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La đến khách hàng.

Theo thống kê đến nay, tỉnh Sơn La đã có 110 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, từng bước khẳng định giá trị các sản phẩm của địa phương mình. Trong đó, bao gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương. Ðặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.

Ðại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết: Ðầu năm 2023 tỉnh đã tổ chức đánh giá phân hạng công nhận lại 12 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao, tập trung vào các nhóm thực phẩm chế biến, chè và sản phẩm đồ uống. Qua đánh giá, các sản phẩm đáp ứng tốt các điều kiện, tiêu chuẩn để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP.

Trong tổng số 12 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng và công nhận lại, có tám sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, bốn sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các chủ thể đã tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, mở rộng việc liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc tổ chức phân hạng công nhận lại đối với các sản phẩm OCOP, đã góp phần giúp tỉnh Sơn La đánh giá toàn diện các sản phẩm OCOP đạt chứng nhận, hỗ trợ, định hướng được các chủ thể phát triển sản phẩm.

Cùng với đó, tỉnh đã công bố hết hạn chứng nhận bảy sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao, do đã quá 36 tháng kể từ lần được công nhận và cấp chứng nhận đăng ký lần đầu tiên. Các sản phẩm này sẽ không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP, logo OCOP có gắn sao để in ấn trên bao bì, nhãn mác khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày 19/4/2023.

Ðây cũng là lần đầu tiên, tỉnh thu hồi giấy phép chứng nhận đối với các sản phẩm OCOP không đủ điều kiện, là việc làm cần thiết khi tập trung phát triển các sản phẩm đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, không phát triển dàn trải. Do vậy, các chủ thể cần quan tâm hơn nữa việc phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm OCOP và mở rộng thị trường, tránh để mất lợi thế của các sản phẩm đặc trưng tại địa phương.

Ông Vũ Hoài Văn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu, đơn vị có sản phẩm được đánh giá lại, cho biết: Sau hơn ba năm được công nhận, các sản phẩm mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo đã phát triển về quy mô sản xuất, sức tiêu thụ, giá trị các sản phẩm tăng khoảng 40% so với trước. Tại hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La vừa qua, các sản phẩm của hợp tác xã đã được hội đồng thống nhất tiếp tục đạt chất lượng OCOP 3 sao và 4 sao.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Ðiều phối Nông thôn mới tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, tỉnh đang triển khai Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Bộ tiêu chí mới đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia chương trình OCOP.

Năm 2023, tỉnh Sơn La phấn đấu xây dựng từ 70 sản phẩm đến 80 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao đến 4 sao; mỗi huyện, thành phố ít nhất phải chứng nhận được năm sản phẩm OCOP trở lên. Theo đó, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ việc tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Qua đó, sẽ góp phần nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, cải thiện thu nhập cho người dân, phát huy lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.