Khung cảnh hoang sơ nơi đoàn quân Tây Tiến từng chiến đấu.
Khung cảnh hoang sơ nơi đoàn quân Tây Tiến từng chiến đấu.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến

NDO - Mùa xuân, trên mảnh đất "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc" năm xưa, sương mù vẫn choàng khắp các đỉnh núi cao, che phủ những con đường ngoằn ngoèo, gấp khúc giữa đại ngàn. Sài Khao (Mường Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) mơ màng, lãng đãng trong sương gợi lên bao hoài niệm và tưởng tượng.

Mường Lát, huyện biên giới phía tây của tỉnh Thanh Hóa, ẩn chứa trong mình vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa dữ dội. Cách trung tâm tỉnh gần 300km, miền núi rừng này có khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nhưng cũng là nơi lưu giữ bao câu chuyện, ký ức thẳm sâu về biên ải, về hình tượng những người lính miền xuôi lên biên giới.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 1

Con nước đầu nguồn hiền hòa vào mùa xuân.

Những mái nhà của đồng bào H'Mông nép bên sườn đồi, những vạt hoa xuân điểm xuyết khắp núi rừng. Sáng sớm, cả không gian như chìm trong sự tĩnh lặng lạ kỳ, chỉ có tiếng chim rừng vẳng lại từ xa, tiếng róc rách mơ hồ của dòng suối uốn mình dưới thung sâu.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 2

Sắc hoa mùa xuân.

Sài Khao - miền đất xa xôi - luôn gợi nhớ về thơ Quang Dũng: "Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Những vần thơ như tiếng vọng từ quá khứ, nhắc nhớ những năm tháng gian lao mà hào hùng, oanh liệt của Trung đoàn 52 Tây Tiến, thường gọi là Trung đoàn Tây Tiến hoặc đoàn quân Tây Tiến.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 3

Núi rừng vẫn hoang sơ, hùng vĩ.

Khách xa đến nơi này, thường có cảm giác như đang lạc bước giữa hai chiều không gian: một bên là hiện tại với những sắc mầu, âm thanh hiện tại; một bên là lịch sử bi tráng, là tiếng vọng thanh xuân của những người lính trẻ năm nào.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 4

Hoa ban mong manh khoe sắc.

Tấm bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến uy nghiêm bên sườn đồi được dựng ngày 28/11/2020 do Ban liên lạc truyền thống Tây Tiến bàn giao cho chính quyền địa phương tại bản Sài Khao, xã Mường Lý. Bia nặng hơn 5 tấn, bằng đá xanh khắc hình ảnh ba chiến sĩ Tây Tiến khoác súng, trong đó có một người mặc trang phục đồng bào dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc trong chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 5

Bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến.

Trên phù điêu khắc dòng chữ đậm "Tinh thần Tây Tiến đời đời bất diệt" và phía dưới khắc hai câu thơ của nhà thơ Quang Dũng: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi".

Cột mốc bằng đá có biểu trưng của Trung đoàn 52 Tây Tiến, phía dưới có khắc chữ: "Nơi đây Đoàn binh Tây Tiến cùng đồng bào địa phương đã anh dũng chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp". Công trình cạnh đường liên xã, xung quanh có các ngôi trường mẫu giáo, tiểu học mang tên: Tây Tiến, Sài Khao và bao gồm sân, vườn hoa, cây cảnh...

Chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến phần đông là người Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, như: nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Doãn Quang Khải... Trong những năm tháng vô cùng khó khăn, gian khổ, sốt rét hoành hành, họ vẫn giữ tinh thần lạc quan, chiến đấu dũng cảm và hy sinh quên mình.

Trong hành trình tìm về những địa danh trong bài thơ "Tây Tiến", chúng tôi đến với bản Sài Khao. Ngay cạnh bia tưởng niệm Tây Tiến là trường mầm non Tây Tiến - Khu Sài Khao. Các em nhỏ ở đây 100% là người H'Mông, sống trên đỉnh núi rất cao, nơi nhà thơ Quang Dũng viết "Heo hút cồn mây, súng ngửi trời". Thế hệ cụ, ông của các em một lòng theo cách mạng, từng cầm súng chiến đấu hoặc hỗ trợ trung đoàn Tây Tiến chiến đấu.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 6

Bia đá đã in dấu ấn thời gian.

Từ nhỏ, các em đã nghe người già trong vùng kể lại, đồng bào nơi đây đã chứng kiến những đoàn binh hành quân qua núi. Đó là những chàng trai trẻ từ đồng bằng lên biên giới, sống và chiến đấu giữa rừng thiêng nước độc.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 7
Ai đến nơi này đều dành những phút trang nghiêm tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến.

Dấu ấn Tây Tiến còn lưu lại ở vườn bưởi già cỗi của một gia đình người H' Mông. Qua bao nhiêu mùa xuân, hết lụi tàn lại nảy nở, bưởi vẫn ra hoa, kết quả, hương thơm bay theo gió như một phần linh hồn của đoàn quân Tây Tiến còn neo lại.

Nhạc sĩ Doãn Quang Khải - một người lính thuộc "đoàn binh không mọc tóc" là tác giả bài hát "Vì nhân dân quên mình" được coi là một trong những bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, được chọn làm nhạc hiệu chương trình phát thanh và truyền hình quân đội. Nhạc sĩ Nguyễn Thành - tác giả một trong những bài ca đi cùng năm tháng "Qua miền Tây Bắc" và "Cảm xúc tháng mười Hà Nội"; họa sĩ Văn Đa - Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I đều thuộc Trung đoàn Tây Tiến.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 8

Câu chuyện ký ức gian lao khiến chúng ta thấm thía hơn giá trị của hòa bình, độc lập.

Cách vườn bưởi cổ không xa là dấu tích bờ kè đá ven suối Cát Trắng lác đác những tảng đá vỡ. Nơi này xưa kia, bộ đội Tây Tiến xếp đá để dẫn nước về bản. Theo thời gian, chịu mưa lũ xói mòn, dấu ấn dần mong manh, mờ nhạt. "Ngày trước, ở suối có cả tượng hổ bằng gỗ, chắc do bộ đội tạc, nhưng lũ rừng cuốn mất rồi", giọng người già đầy tiếc nuối.

Năm 1954, Trung đoàn 52 Tây Tiến vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" để ghi danh các chiến công ở mặt trận Tây Bắc; đồng thời được tặng 8 Huân chương Quân công và 218 huân chương các hạng.

Chứng tích chiến tranh không còn nhiều, nhưng ký ức về đoàn quân Tây Tiến vẫn sống trong lòng người dân, vẫn hiện hữu trong tinh thần con người trên từng cung đường dốc dựng trời mây, trong từng giấc mơ chập chờn của những người già.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 9

Trường mầm non Tây Tiến khu Sài Khao vẫn còn khá đơn sơ.

Điểm trường khu Sài Khao thuộc Trường mầm non Tây Tiến toàn các em nhỏ người H'Mông. Các cô giáo chủ yếu thuộc thế hệ 9X, đầy trẻ trung sôi nổi. Nhưng trong câu chuyện về trường lớp, họ không bao giờ quên nhắc tới ký ức được thế hệ đi trước kể lại, thuở điểm trường được dựng tạm bợ dựng bằng ván gỗ, tường nứa mỏng manh không đủ che gió mùa đông.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 10

Các em nhỏ là người H'Mông.

Trước đây, rất ít trẻ em H'Mông đến trường. Bố mẹ các em thường cho rằng học chữ không quan trọng bằng theo cha mẹ lên rẫy. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhờ sự vận động của chính quyền và các đoàn thể, thầy cô giáo, Sài Khao ngày càng nhiều trẻ đến lớp hơn.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 11

Những gương mặt ngây thơ, trong sáng.

Những đứa trẻ ở lứa tuổi mầm non có lẽ vẫn chưa hình dung hết ý nghĩa của bài thơ "Tây Tiến" và lịch sử vùng đất thiêng liêng, nhưng các em chính là tương lai của Sài Khao, là hy vọng của vùng đất gian lao ngày xưa. Trong tâm hồn các em, vẫn mang một phần tinh thần Tây Tiến. Bởi từ nơi núi rừng Sài Khao heo hút, từng có những chàng trai tuổi đôi mươi hy sinh để ngày mai những đứa trẻ có thể lớn lên trong hòa bình, độc lập.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 12

Đời sống cải thiện, trẻ em đã được chăm sóc tốt hơn.

Đời sống ở Mường Lát đã đổi thay rất nhiều dù vẫn còn đó vết tích gian lao. Điều đáng mừng là chính quyền địa phương luôn nỗ lực bảo tồn giá trị của đoàn quân Tây Tiến, đưa nơi đây trở thành điểm đến du lịch lịch sử, đồng thời cải thiện đời sống cho bà con.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 13

Nụ cười hồn nhiên của một em nhỏ trong lớp mầm non.

Sài Khao trong buổi sáng mùa xuân trời trong veo, làn sương đêm còn vương lại trên mái trường nhỏ bé. Những đứa trẻ H'Mông ríu rít chạy nhảy trên sân trường, tiếng cười vang lên trong không gian yên tĩnh.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 14

Trẻ em luôn được giáo dục truyền thống.

Trong các lớp học, có cô giáo người H'Mông dịu dàng cầm tay, dạy trẻ nắn nót từng con chữ; cô giáo Thái cất tiếng hát vang lên giữa lớp học đơn sơ. Những đứa trẻ nghiêng nghiêng đầu, ê a hát theo, đôi mắt tròn xoe lấp lánh.

Ai có thể nghĩ rằng, bao nhiêu năm về trước, thế hệ ông cha các em không hề biết tiếng Kinh, không biết chữ quốc ngữ, chỉ giao tiếp bằng tiếng đồng bào H'Mông trên những triền núi quanh năm chìm trong mây.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 15

Các điểm trường cần tiếp tục được quan tâm.

Thuở ấy, bộ đội Tây Tiến lên đây, những người lính trẻ học tiếng H'Mông để giao tiếp, để hiểu và cùng đồng bào chia sẻ mọi gian lao. Cũng đã từng có cả một thế hệ lớn lên trong những ngày không điện, đường, trường, trạm.

Cô giáo Vi Thị Dầm (sinh năm 1994), người dân tộc Thái, đã gắn bó với nghề dạy học suốt 4 năm tại một ngôi trường vùng sâu, miền xa. Cô chia sẻ, cả trường có 30 cô giáo, chia thành 6 điểm trường, cách nhau khá xa. Trong đó điểm trường khu Sài Khao có 6 cô giáo.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 16

Để có được những điểm trường tương đối ổn định là sự nỗ lực rất lớn.

"Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng biệt, đều có sự đáng yêu,thơ ngây nhưng đầy sáng tạo. Dù vất vả nhường nào, công việc vẫn mang đến cho chúng tôi niềm vui khó tả. Mong ước lớn nhất của tôi là các con sẽ luôn được yêu thương, bảo vệ và chăm sóc để thêm trưởng thành, hiểu sâu sắc hơn về truyền thống địa phương, về những thế hệ đã hy sinh để chúng ta được sống trong hòa bình", cô Dầm xúc động chia sẻ.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 17

Các cô giáo mong muốn trẻ em Sài Khao có sân chơi an toàn.

Dù điều kiện còn khó khăn, các thầy cô giáo vẫn luôn tận tụy, mang yêu thương và tri thức đến với các em nhỏ. Hiện tại, những điểm trường như Sài Khao vẫn cần hỗ trợ những vật dụng thiết yếu như quần áo, dép, nhưng trên hết, điều mà các thầy cô giáo mong muốn là tạo dựng một khu sân chơi cho trẻ em - nơi các em có thể vui đùa, học hỏi và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Gieo yêu thương trên đỉnh Sài Khao, nhớ về những chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ảnh 18

Cô và trò điểm trường khu Sài Khao thăm bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến.

Những đứa trẻ hôm nay không chỉ biết tiếng Kinh, biết chữ quốc ngữ, mà còn biết cả "Labubu", "Baby Three" - những nhân vật đồ chơi mà trẻ em miền xuôi cũng mê tít. Các cô giáo trẻ mỉm cười nhìn từng học trò. Ở miền biên giới xa xôi này, bao ước mơ, khát vọng vẫn đang được gieo mầm, những đứa trẻ đang lớn lên trong ánh sáng tri thức, hồn nhiên, vô tư và tràn đầy hy vọng.

back to top