Tây Tiến - Một thời tài hoa và anh dũng

“…Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hiện vật giá trị được trao cho Bảo tàng Hòa Bình.
Nhiều hiện vật giá trị được trao cho Bảo tàng Hòa Bình.

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?

Có nhớ dáng người trên độc mộc,

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”

(Quang Dũng)

1/Bài thơ “Tây Tiến” được chính con gái nhà thơ, chị Bùi Phương Thảo đọc bằng chất giọng trầm buồn nhưng mạnh mẽ, ấm áp đã làm cho tất cả những người có mặt trong khán phòng Bảo tàng tỉnh Hòa Bình như chìm đắm về miền ký ức tràn đầy khí thế của đoàn quân Tây Tiến xung phong hành quân lên Tây Bắc năm 1947 để tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vượt qua những khắc nghiệt của chiến tranh và hoàn cảnh sống cực kỳ gian khổ, bộ đội Tây Tiến mà phần lớn là những thanh niên trí thức Hà Nội đã chiến đấu dũng cảm, vẫn giữ được cốt cách hào hoa, thanh lịch.

Vào những ngày cuối tháng 7 này - Tháng của sự tri ân và biết ơn, tại tỉnh Hòa Bình đã diễn ra một sự kiện rất trang trọng, ấm cúng và vô cùng ý nghĩa. Đó là lễ tiếp nhận tư liệu, hiện vật từ thân nhân gia đình các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến tặng cho bảo tàng tỉnh.

Tại buổi lễ, thân nhân của gia đình Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Như Trang (1927-1948), nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 150, Trung đoàn 52 Tây Tiến, hy sinh tại huyện Lạc Sơn và các thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Vân (tức Tuấn Sơn), các con cháu họa sĩ Quang Thọ, nhà thơ Quang Dũng và Trung đoàn trưởng 52 Tây Tiến Chu Đốc đã trao tặng 26 tư liệu, hiện vật gồm: Tượng đồng Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Như Trang; khung ảnh tư liệu chữ ép trên nền đồng; 5 tập sách và 5 đĩa video về anh hùng liệt sĩ Tây Tiến; máy quay phim - chiến lợi phẩm của bộ đội Tây Tiến; Huân chương Tự Do hạng 2 (IXSALA - Lào); bản phác thảo đầu tiên tác phẩm “Nuôi giấu thương binh” của họa sĩ Quang Thọ, tác phẩm được đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001; kỷ vật của cố Trung đoàn trưởng Chu Đốc và các tư liệu quý báu khác.

Tây Tiến - Một thời tài hoa và anh dũng ảnh 1

2/Ông Nguyễn Quang Hải, con trai của cố họa sĩ Quang Thọ chia sẻ: “Bức tranh “ Nuôi giấu thương binh” được bố tôi phác thảo đầu tiên vào đầu những năm 1960, lấy cảm hứng từ thực tiễn những ngày đói khát của đoàn quân Tây Tiến - một chiến sĩ được cứu sống nhờ bầu sữa của một phụ nữ dân tộc ở Hòa Bình”.

Trong câu chuyện của ông Hải, cử tọa ngược thời gian về cuối năm 1947, giặc Pháp tấn công từ Sơn La về, tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc đó rất chênh lệch. Quân ta là tập hợp những thanh niên Hà Nội lên, kinh nghiệm trận mạc chưa nhiều, chưa kịp thích nghi với cuộc sống khó khăn ở miền núi, súng đạn, lương thực, thuốc thang đều thiếu, đó là những ngày khó khăn, gian khổ nhất của đoàn quân Tây Tiến. Trong một lần trên đường hành quân, cả tiểu đội cha tôi đều đói lả, nhiều người mắc bệnh sốt rét, có một đồng đội của họa sĩ Quang Thọ đã kiệt sức gục xuống, thều thào nhờ đồng đội chuyển thư và ảnh về cho gia đình. Đúng lúc đó có một chị phụ nữ dân bản địu con đi rừng qua, chị bước đến, hiểu ngay sự tình, bèn lặng lẽ vắt sữa cho anh bộ đội uống. Được những giọt sữa ấm nóng thấm vào môi, người lính dần tỉnh lại. Sau đó người phụ nữ tiếp tục địu con về phía bản xa.

Chứng kiến sự việc vô cùng xúc động này và thêm nhiều câu chuyện nữa về tình quân dân thắm thiết như cá với nước, trân trọng ân nghĩa của đồng bào Hòa Bình, đồng bào Tây Bắc đã đùm bọc đoàn quân Tây Tiến trong những ngày kháng chiến khó khăn, họa sĩ Quang Thọ đã trao gửi hết tình cảm, nghĩa đồng bào vào bức tranh “Nuôi giấu thương binh”, tác phẩm sau này đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và được treo ở Bảo tàng Lịch sử quân đội. Còn bức tranh trao tặng Bảo tàng Hòa Bình là bức bản thảo đầu tiên, là khởi nguồn của bức tranh đó.

Còn ông Nguyễn Như Giao, em trai của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Như Trang thì kể lại: “Anh Nguyễn Như Trang là người anh cả trong gia đình chúng tôi. Cha tôi là nhà giáo, gia đình sớm cho anh ăn học ở Trường Thăng Long. Tháng Tám năm 1945, sau khi tham gia giành chính quyền ở Mỹ Hào, Hưng Yên, nơi cha mẹ đang sinh sống, anh trở lại Hà Nội, gia nhập Vệ quốc đoàn. Đầu năm 1947, anh phụ trách Tiểu đoàn 150 thuộc Trung đoàn 52 Tây Tiến hành quân theo hướng Lương Sơn - Chợ Bờ - Suối Rút, Chiềng Sại, rồi ngược sông Mã đánh chiếm Mường Lát...”.

Cuối năm 1947, người lính Nguyễn Như Trang bị thương, nằm điều trị ở trạm xá Trung đoàn, anh chứng kiến nhiều chiến sĩ bị thương, bị sốt rét, hy sinh ngay tại bệnh xá. Mỗi một chiến sĩ ra đi là một tiếng cồng được đánh lên. Vốn là người giỏi thơ ca và nhạc, anh đã sáng tác bài hát “Tiếng cồng quân y”. Anh còn viết nhiều bài báo, nhiều ca khúc động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ của mình vượt qua gian khổ, chiến đấu vì Tổ quốc, tiêu biểu như tác phẩm nổi tiếng “Trấn biên cương”: “Đoàn quân lên trấn biên cương hào hùng, một mùa xuân mới trời rung, đem chiến công về vinh quang mà danh vang ghi”.

Ngày 19/11/1948, Nguyễn Như Trang đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến với trung đội lính Âu - Phi tại thôn Mu, làng Ngọc Lâu, châu Lạc Sơn ngày ấy. Ông Nguyễn Như Giao cho biết thêm một chi tiết cảm động: “Năm 1949, cha tôi - nhà giáo Nguyễn Như Hoàn đã viết bài “Thơ đề bên ảnh Như Trang”:

“Ai lên Tây Tiến mau về nhỉ

Ta gửi vần thơ nhắn một người

Người ấy sẽ về trong ánh đỏ

Trong cười chiến thắng toán quân xuôi

Vung gươm thét hận đi thôi

Người còn là súng của người hy sinh”.

Bài thơ này được khắc ép trên nền đồng và hôm nay gia đình trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Hòa Bình lưu giữ”.

3/Mỗi kỷ vật, mỗi tác phẩm đều có những câu chuyện dài rất ấn tượng. Từng câu chuyện được thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến sĩ Tây Tiến chia sẻ mộc mạc, ân tình như con đường Tây Tiến chạy dài mãi trong tâm tưởng người nghe. Cuộc hiến tặng các hiện vật, kỷ vật, tư liệu về chiến sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến do thân nhân các gia đình trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Hòa Bình càng đặc biệt hơn vào đúng dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, góp phần phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa về cuộc đời, sự nghiệp của các chiến sĩ đã dâng hiến, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, có giá trị vô cùng to lớn cho công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.