Bộ Y tế Sudan thông báo, có khoảng 60 người chết và hơn 200 người bị thương trong ngày đầu tiên của lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Xung đột bùng phát một tuần qua tại Sudan làm ít nhất 413 người chết và hơn 3.550 người bị thương. Liên hợp quốc cho biết, từ khi giao tranh nổ ra, có hơn 20.000 người Sudan, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, phải sơ tán sang CH Chad láng giềng.
Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Burhan tuyên bố ủng hộ một chính phủ dân sự tại Sudan, động thái được xem như nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh giao tranh chưa dừng. Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát, Tướng Burhan khẳng định, quân đội sẽ chiến thắng trong cuộc chiến với RSF bằng sự rèn luyện, trí tuệ và sức mạnh. Ông cam kết quân đội sẽ bảo vệ an ninh và thống nhất đất nước, bảo đảm quá trình chuyển đổi an toàn sang chế độ dân sự ở Sudan.
Trong nỗ lực giảm căng thẳng, Tổng thống Kenya William Ruto đề nghị làm trung gian cho tiến trình đàm phán giữa các bên đối địch ở Sudan nhằm khôi phục hòa bình ở quốc gia này. Tổng thống William Ruto bày tỏ lạc quan về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Sudan; cho biết Kenya có kinh nghiệm thúc đẩy các tiến trình hòa bình, giải quyết xung đột chính trị trong khu vực và sẵn sàng đóng góp vào tiến trình hòa bình ở Sudan.
Tổng thống William Ruto cũng kêu gọi Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD-mà Sudan là một thành viên), Liên minh châu Phi (AU) và Liên hợp quốc thành lập một liên minh quốc tế để hỗ trợ tiến trình hòa bình ở Sudan. Nhà lãnh đạo Kenya nhấn mạnh việc khôi phục hòa bình, an ninh và ổn định ở Sudan phù hợp mục tiêu đưa vùng Sừng châu Phi và Đông Phi thành một trung tâm sản xuất an toàn, có ngành công nghiệp cạnh tranh toàn cầu và thịnh vượng chung bền vững.
Những ngày qua, một số nước đã triển khai lực lượng đến khu vực chung quanh Sudan để sơ tán các nhà ngoại giao và công dân khỏi Sudan. Mỹ đã đưa hàng trăm binh sĩ, máy bay và các phương tiện khác đến Djibouti. Anh và các nước khác cũng đưa quân vào khu vực. Theo giới quân sự, việc sơ tán công dân khỏi Sudan rất phức tạp, bởi giao tranh vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn. Việc sơ tán bằng đường không chỉ có thể thực hiện nếu ngừng bắn hoàn toàn và các thỏa thuận với các bên xung đột.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ra lệnh triển khai nhanh chóng một đơn vị hải quân chống hải tặc tới các vùng biển ngoài khơi Sudan để bảo hộ công dân Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng điều động máy bay vận tải chở 50 nhân viên an ninh và y tế tới căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti để sơ tán công dân Hàn Quốc tại Sudan. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, có 26 người Hàn Quốc ở Sudan, trong đó có một số nhân viên ngoại giao, đang chờ được sơ tán; đồng thời nâng cảnh báo đi lại đối với Sudan lên cấp 4, mức cao nhất trong hệ thống khuyến nghị, cảnh báo của Hàn Quốc.
Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Khartoum nếu tình hình an ninh cho phép. Theo một quan chức cấp cao EU, khối này cùng bảy nước thành viên triển khai sứ mệnh tại Sudan, trong đó có Pháp, Đức và Italia, đang tìm phương án đưa khoảng 1.500 công dân EU ra khỏi Khartoum bằng đường bộ do sân bay tại đây đã bị đóng cửa.
Quân đội Đức thông báo kế hoạch chuẩn bị tiến hành chiến dịch sơ tán 150 công dân Đức gồm các nhà ngoại giao và nhân viên, đang mắc kẹt trong khu vực chiến sự ra khỏi Sudan. Từ giữa tuần qua, quân đội Đức đã điều động ba máy bay vận tải tới Hy Lạp chuẩn bị cho mục đích này. Trong khi đó, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha cũng đang lên phương án sơ tán công dân khỏi Sudan.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, giao tranh tại Sudan khiến nỗ lực sơ tán nhân viên ngoại giao Mỹ tại Khartoum trở nên quá nguy hiểm; nhấn mạnh tình hình an ninh bất ổn tại Khartoum và sân bay bị đóng cửa không phù hợp cho việc triển khai sơ tán. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đã tập trung nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại một địa điểm ở Khartoum để bảo đảm an toàn và chuẩn bị cho hoạt động sơ tán; thông báo ít nhất một công dân Mỹ đã chết trong cuộc xung đột ở Sudan.