Giao thông kết nối sân bay Long Thành bảo đảm thuận lợi cho hành khách

Liên quan về thông tin dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành “không có ga ngầm đường sắt trong nhà ga hành khách” để kết nối giao thông, ngày 27/2, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) khẳng định, theo quy hoạch, đã có phương án thiết kế kết nối giữa các công trình để bảo đảm hành khách di chuyển thuận lợi từ nhà ga hành khách đến các ga đường sắt.
0:00 / 0:00
0:00
Công trường thi công dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Công trường thi công dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ được kết nối bằng hệ thống đường bộ và hai tuyến đường sắt, gồm tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam và tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm-Long Thành. Các hạng mục công trình được triển khai theo các dự án khác nhau; trong đó, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đang thi công giai đoạn 1, gồm các hạng mục khu bay, nhà ga hành khách T1, đường trục giao thông kết nối. Trong quá trình nghiên cứu, các dự án nêu trên đều được phối hợp để có tính thống nhất, hạn chế nhất các ảnh hưởng khi đầu tư không đồng thời.

Đường trục Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có cao độ tương đương cao độ tầng 1 nhà ga hành khách cũng như khu bay. Các tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị đi ngầm, thuộc dải phân cách giữa đường trục chính. Ke ga đường sắt được đặt tại tầng B-02, phòng chờ ga đường sắt đặt tại tầng B-01. Việc kết nối ga đường sắt với nhà ga T1, T2 thông qua cầu cạn tới các lối lên xuống tại dải phân cách giữa và vỉa hè.

Trong quá trình triển khai, ngày 14/5/2019, chủ đầu tư ACV đã có Văn bản 1925/TCTCHKVN-LT gửi Ban Quản lý dự án đường sắt (PMUR) thống nhất một số nội dung như tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị đi ngầm trong khoảng giữa đường trục chính, kết nối giao thông của cảng hàng không; ga đường sắt tốc độ cao đặt tại khu vực giữa cụm ga T1 và T2; ga đường sắt đô thị đặt trước khu vực cụm T và T2 (cạnh ga đường sắt tốc độ cao) và cụm T3, T4. Ban Quản lý dự án đường sắt (PMUR) đã có văn bản thống nhất các nội dung đề nghị của ACV.

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành bao gồm hệ thống khu bay bố trí ở hai bên phía bắc và phía nam. Hệ thống nhà ga gồm bốn ga, bố trí đối xứng thành hai cụm T1, T2 và T3, T4. Phía trước các nhà ga là công trình nhà để xe ô-tô cao tầng, đường trục chính bố trí ở giữa, tách các nhà ga tại mỗi cụm thành nhà ga phía bắc và phía nam. Dự án có tổng mức đầu tư (khái toán) khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn I, xây dựng một đường cất-hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách/năm.

Theo kế hoạch, giai đoạn I của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026. Giai đoạn II, xây thêm một đường cất-hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm; giai đoạn III, hoàn thành các hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.

Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải-TEDI) cho biết, hai dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam và đường sắt đô thị Thủ Thiêm-Long Thành hiện đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hai tuyến đường sắt này đều đi ngầm và nằm dọc hoàn toàn trong phạm vi giữa tuyến đường trục nội cảng của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (trong lòng khoảng cách 40 m giữa tuyến đường trục nội cảng).

Đề xuất của TEDI tại nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, ga đường sắt sẽ được bố trí về phía trước và cách nhà ga hành khách T1 khoảng 220 m, cách nhà để xe T1 khoảng 35 m. Công trình sau khi đưa vào khai thác, sẽ được kết nối bằng hệ thống cầu bộ hành, bảo đảm hành khách di chuyển thuận lợi từ công trình nhà ga hành khách T1 thông qua nhà để xe T1 để kết nối tiếp với ga đường sắt.

Tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm-Long Thành có chiều dài hơn 37 km, gồm 20 ga, trong đó đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh dài 11,8 km, qua Đồng Nai dài hơn 25,5 km; điểm xuất phát từ Ga Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), điểm cuối là Ga Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Dự án có tổng mức đầu tư (dự kiến) khoảng 40.500 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tốc độ tối đa 80 km/giờ, vận tốc khai thác 60 km/giờ. Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt này năm 2025, triển khai trong giai đoạn 2025-2030.

Giai đoạn một xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành không thi công xây dựng công trình nào trong phạm vi quy hoạch này, chủ đầu tư và đơn vị thiết kế đã dự trù khoảng đất trống để cho các công trình xây dựng đường sắt và ga tàu đường sắt trong tương lai theo quy hoạch. Các nhà ga hành khách T1, T2, T3, T4 và các công trình xây dựng khác như các nhà để xe đều nằm ngoài và ở hai bên của tuyến đường trục giao thông nội cảng này. Việc đầu tư các công trình nhà ga T1, nhà để xe đều không ảnh hưởng tới khu vực xây dựng ga đường sắt tốc độ cao và ga đường sắt đô thị trong tương lai.

Các cầu vượt ngang đường trục chính được xây dựng trong giai đoạn một của cảng hàng không đều được tính toán để đủ phạm vi thi công các tuyến đường sắt sau này. Đường trục chính của cảng hàng không hiện cũng chỉ mới đầu tư hai đường song hành hai bên nên chưa thuộc phạm vi bố trí tuyến và các ga đường sắt. Như vậy, việc thi công các hạng mục công trình hiện nay của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành về cơ bản không ảnh hưởng tới các dự án tuyến đường sắt.

“Như vậy, công trình nhà ga hành khách T1 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và các ga đường sắt tốc độ cao, đường sắt nhẹ là các công trình độc lập với nhau về vị trí. Do đó, các kết cấu công trình xây dựng không ảnh hưởng đến nhau và phương án kết nối giữa các công trình này đã được tính toán để bảo đảm hành khách di chuyển thuận lợi từ các ga đường sắt đến nhà ga hành khách (không liên quan đến phần móng cọc nhà ga)”, đại diện lãnh đạo ACV khẳng định.

Phía ACV cũng cho biết, việc thiết kế và thi công được các đơn vị triển khai theo tiến độ của từng hạng mục công trình. Việc đấu nối các hệ thống kỹ thuật như cấp điện, nước, thông tin liên lạc,… sẽ được kết nối chung trong tổng thể hạ tầng kỹ thuật của cảng hàng không. Các tác động qua lại trong việc đầu tư xây dựng những công trình trong thời điểm khác nhau đã được nghiên cứu cụ thể và hạn chế ảnh hưởng xấu.