Giáo sư Vũ Hà Văn: "Công nghệ sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán phòng ung thư tại Việt Nam"

NDO - Công nghệ sẽ giúp con người phát hiện sớm bệnh lý ung thư. Hiện các nhà nghiên cứu Việt Nam trong đó có các nhà khoa học tại Viện Dữ liệu lớn VinBigData đang tìm đối tác nước ngoài rất mạnh ở lĩnh vực này để kết hợp, Việt hóa các thành tựu nghiên cứu đó. 
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Vũ Hà Văn chia sẻ bên lề tọa đàm tại Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture 2022.
Giáo sư Vũ Hà Văn chia sẻ bên lề tọa đàm tại Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture 2022.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn nhanh Giáo sư Vũ Hà Văn, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giáo sư Toán học Percey F. Smith và Giáo sư Khoa học Dữ liệu tại Đại học Yale, Giám đốc Khoa học Viện Dữ liệu lớn VinBigData về phát triển dữ liệu gene người Việt trong ứng dụng phòng, chữa bệnh và cơ hội phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Chúng ta đã có thể dùng dữ liệu của người Việt để giải các bài toán cho người Việt

Phóng viên: Thưa Giáo sư Vũ Hà Văn, đến nay, Viện BigData đã thực hiện thành công việc giải mã gene người Việt như thế nào?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Viện BigData đã hoàn thành công trình giải mã gene người Việt. Nếu chúng ta không giải quyết bài toán này sẽ không có nước nào làm cho mình.

Công trình đó dữ liệu lớn hiện được nhiều nhà khoa học nghiên cứu về người Việt sử dụng. Ngoài ra, BigData còn có những ứng dụng cụ thể. Thí dụ như BigData có công ty chuyên về giải mã gene, theo đó cung cấp thông tin chính xác người đến khám bệnh để dự báo một người mắc bệnh gì, nên sử dụng thuốc nào cho phù hợp, chế độ dinh dưỡng thế nào...

Như vậy, chúng ta đã có thể dùng dữ liệu của người Việt để giải các bài toán cho người Việt.

Những nghiên cứu về BigData rất có lợi cho y học cho chẩn đoán và trị liệu. Hướng y học mà BigData đang muốn đẩy là cá thể hóa và y học chính xác. Chúng tôi sẽ cá thể đến từng người với cách trị liệu khác nhau.

Thí dụ, cùng loại bệnh có nhiều thuốc điều trị, nhưng làm sao để tìm được thuốc phù hợp nhất với cơ địa của mình. Việc giải mã gene sẽ giúp tìm ra loại thuốc phù hợp với từng người một cách phù hợp nhất, ít tác dụng phụ nhất.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm gene sẽ giúp xem tiềm năng một người có thể mắc một số bệnh lý nào. Hiện nay, người Việt Nam chúng ta phải ốm mới đến bác sĩ và khi sử dụng thuốc điều trị thấy ổn định bệnh là yên tâm.

Tuy nhiên, nếu chúng ta quan tâm đến phòng bệnh sẽ có chi phí rẻ hơn chữa bệnh nhiều. Đó là bài toán mà xét nghiệm gene sẽ giúp chúng ta.

Phóng viên: Công trình giải mã gene người Việt đã được đưa vào ứng dụng điều trị ung thư tại Việt Nam hay chưa?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Chúng tôi chưa có ứng dụng cụ thể vào ung thư mà chỉ có ứng dụng cụ thể vào phát hiện sớm các bệnh khác như tim mạch, tiểu đường hoặc phát hiện các loại thuốc.

Thí dụ như hiện nay chúng có khoảng 10 bệnh tiêu biểu BigData sẽ giúp tìm ra một người nên dùng loại nào tốt nhất cho điều trị. Việc này rất quan trọng vì khi biết thuốc thích hợp nhất với cơ thể sẽ vừa tiết kiệm tài chính vừa lợi cho cơ thể.

Ngoài ra, có những loại thuốc phản ứng phụ mãnh liệt, nếu không may bạn bị phản ứng có thể dẫn tới trường hợp cấp cứu, tử vong. Thí dụ bệnh động kinh nếu không uống đúng thuốc sẽ tử vong ngay lập tức. Hiện nay chúng tôi đã đưa công nghệ này vào ứng dụng ở một số đơn vị.

Phóng viên: Việc phát triển công nghệ ứng dụng trong điều trị ung thư của VinBigData hiện nay như thế nào?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Việc nghiên cứu về công nghệ điều trị ung thư rất khó và để một công ty Việt Nam tự làm sẽ rất lâu. Chúng tôi đang nghiên cứu theo hướng tìm đối tác nước ngoài rất mạnh ở lĩnh vực này.

Dựa trên cơ sở nghiên cứu của họ từ nhiều năm, chúng tôi có thể dùng thêm dữ liệu người Việt để chính xác hóa, Việt hóa thành tựu đó là một hướng đi khả thi. Nếu chúng ta lựa chọn nghiên cứu một công trình từ ban đầu sẽ phải tính thời gian bằng cả hàng chục năm.

Công nghệ sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán phòng ung thư tại Việt Nam

Phóng viên: Công nghệ sẽ có sự hỗ trợ thế nào trong việc giải quyết bài toán phòng ung thư tại Việt Nam?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Ung thư là vấn đề phức tạp. Tôi không phải là chuyên gia về ung thư. Nhưng đứng ở khía cạnh làm thống kê, tôi thấy công nghệ có thể giúp đỡ nhiều trong giải bài toán ung thư và bệnh phức tạp khác.

Thí dụ, trước nay các bác sĩ khám cho bệnh xem đã mắc ung thư hay chưa, mắc ở giai đoạn nào và phương pháp nào trị liệu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Bác sĩ càng nhiều kinh nghiệm, càng chẩn đoán sát bệnh lý nhất.

Nhưng hiện nay, với việc có kho dữ liệu lớn, có hồ sơ của hàng triệu bệnh nhân, khi bác sĩ dùng thuật toán AI có thể hỗ trợ đọc hàng triệu hồ sơ lưu trữ sẵn trên hệ thống, qua đó, xác định được thông tin chính xác hơn về bệnh lý của một người và tìm ra cách trị liệu tốt hơn cho bệnh nhân.

Thứ 2, với sức mạnh của thuật toán, chúng ta có thể phân tích dữ liệu phong phú về gene, có thể đem lại thông tin chính xác, phát hiện bệnh sớm hơn so với các cách khác thông thường.

Giáo sư Vũ Hà Văn: "Công nghệ sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán phòng ung thư tại Việt Nam" ảnh 1

Giáo sư Vũ Hà Văn.

Phóng viên: Làm thế nào đưa công nghệ vào việc giải quyết bài toán phòng chống ung thư tại Việt Nam?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Công nghệ chữa ung thư chỉ là một phần của vấn đề, quan trọng nhất là chúng ta phải phát hiện sớm được ung thư. Khi một người đã mắc ung thư thì việc chữa bệnh rất đau đớn và tốn kém. Tôi nghĩ chúng ta phải hướng tới làm sao phát hiện sớm, tìm ra được các nguyên nhân chính gây bệnh ung thư ở Việt Nam. Đây là vấn đề công nghệ giúp đỡ được.

Phóng viên: Hiện nay có nhiều bệnh liên quan đến gene, BigData có phát hiện sớm được các bệnh lý như ung thư hay không?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Trong tương lai, các nghiên cứu khi dựa vào cơ sở dữ liệu sẽ có khả năng cao phát hiện sớm một số bệnh ung thư. Đây là cách phát hiện mà hiện nay không bệnh viện nào làm được.

BigData cũng có thể phát hiện gene bệnh và thông qua các dữ liệu tổng hợp có thể biết được cách trị liệu chính xác nhất vì bệnh ung thư hiện có nhiều phương pháp điều trị.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của khoa học công nghệ tại Việt Nam?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Vài năm gần đây, Nhà nước và xã hội đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển khoa học công nghệ.

Như bạn biết, sự giàu có và tăng trưởng của các nước thường đi cùng cách mạng khoa học nào đó. Hiện nay cách mạng khoa học công nghệ là cơ hội của Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam vì đặc trưng của cuộc cách mạng này là không cần chúng ta có nguồn tài nguyên nào mà nó là cuộc cách mạng về nhân lực.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ này thế giới không giấu thông tin nữa. Ý tưởng lớn đã có sẵn, chúng ta cần những người đủ giỏi để dùng ý tưởng đó, chỉnh sửa cho phù hợp với người Việt Nam. Đây là sự khác biệt của lần cách mạng khoa học này so với lần cách mạng khoa học trước.

Nếu chúng ta có nguồn nhân lực đủ tốt, tăng cường đào tạo sinh viên thì các nhà khoa học trẻ hoàn toàn lĩnh hội được kiến thức thế giới đã tìm ra.

Phóng viên: Việt Nam cần làm gì tăng cường ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe nói chung và giải quyết bệnh ung thư nói riêng?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Tôi nghĩ Việt Nam cần có một số luật để quy định cụ thể xem ứng dụng nào các bệnh viện có thể dùng được. Thứ 2, chúng ta phải có sự đầu tư về mặt khoa học. Thí dụ như Vingroup đầu tư mạnh vào lĩnh vực khoa học công nghệ với vai trò là một nhà đầu tư lớn. Hiện nay, không có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ.

Phóng viên: Theo ông, đâu là xu hướng công nghệ tiềm năng mà mình có thể theo đuổi để đi kịp với thế giới?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Theo tôi đó chính là xu hướng về khoa học dữ liệu. Thuật toán chúng ta có thể học thế giới, tận dụng được thế mạnh của thế giới để chúng ta làm ra sản phẩm phục vụ trực tiếp cho người Việt.

Thí dụ, nếu bạn mua phần mềm dữ liệu người châu Âu mang về Việt Nam để xét nghiệm bệnh cho người Việt thì thông tin không thể chính xác 100%, chúng ta phải làm lại dữ liệu. Do đó, việc chúng ta dùng dữ liệu người Việt sẽ vừa nhanh và rẻ nhất, thiết thực với người Việt.

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nhân tài về Việt Nam

Phóng viên: Vai trò bạn trẻ trong công cuộc nghiên cứu khoa học hiện nay là gì?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Các bạn trẻ lúc nào cũng quan trọng vì các bạn trẻ có sức khỏe, học nhanh, có nhiệt huyết. Đó là lực lượng lao động chính và là điểm mạnh chính của Việt Nam.

Trong cuộc cách mạng khoa học lần này, nhân lực là tài sản chính của chúng ta. Điều chúng ta cần làm cho các bạn đủ tầm suy nghĩ và kiến thức. Hiện có trường đại học chỉ chuyên dạy kỹ năng nào đó nhưng đó mới chỉ là một phần của vấn đề. Ngoài kỹ năng ấy, các trường cần phải tạo cho các em suy nghĩ để có tư tưởng trở thành người tìm ra vấn đề mới.

Phóng viên: Ông nghĩ sao về việc hiện nay nhiều bạn trẻ sau khi đi nước ngoài học tập không chọn về Việt Nam?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Đây là tình trạng đã diễn ra 20-30 năm nay. Nhà nước và xã hội đều quan ngại về điều đó. Tôi nghĩ, để kéo các bạn trẻ về Việt Nam chỉ có cách để cho họ thấy Việt Nam có những cơ hội về mặt tài chính.

Về mặt cơ hội, hiện chúng ta có quá ít nhân lực lao động chất lượng rất cao. Những người có bằng tiến sĩ trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng nếu thuê nước ngoài thì giá thuê rất cao.

Về mặt Đại học, tôi nghĩ các trường cần phải tìm người giỏi chịu về Việt Nam giảng dạy và phải có cơ chế nào đó tốt nhất trong vòng 2-3 năm đầu như có chế độ hỗ trợ giúp họ ổn định cuộc sống.

Ở Vingroup có 2 quỹ về đổi mới sáng tạo có những học bổng hỗ trợ các nhà khoa học trẻ vừa đi học ở các nước tiên tiến về trong 1-2 năm đầu để họ yên tâm làm việc, cống hiến.

Trong 2 năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ 70-80 bạn trẻ và nhiều bạn khi lựa chọn về các tỉnh lẻ rất cảm ơn sự hỗ trợ này. Tôi nghĩ, đó là sự đầu tư đáng giá, thiết thực bởi việc bỏ ra ban đầu không nhiều so với chi phí khác.

Tôi nghĩ, tại sao chúng ta không có thêm những quỹ khác dành cho các nhà khoa học trẻ.Tôi ước mơ 5-7 năm nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ có quỹ tương tự, không chỉ lợi cho nhà khoa học trẻ mà bản thân cũng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong thu hút nhân tài đến làm việc.

Xin cảm ơn Giáo sư Vũ Hà Văn!