Giáo sư Quarraisha Abdool Karim:

“Tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà khoa học trẻ Việt Nam"

NDO - “Tôi rất muốn Việt Nam có nhiều nhà khoa học về lĩnh vực y học, sinh học. Tôi sẽ suy nghĩ làm sao hợp tác và giúp đỡ các bạn nhiều hơn”, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học thế giới - Giáo sư Quarraisha Abdool Karim bày tỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Quarraisha Abdool Karim.
Giáo sư Quarraisha Abdool Karim.

Cùng Giáo sư Salim Abdool Karim, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim là chủ nhân Giải thưởng VinFuture Đặc biệt năm 2021 dành cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển với nghiên cứu khoa học mang tính đột phá về phương pháp chống phơi nhiễm HIV. Bà là Giám đốc Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Chương trình AIDS tại Nam Phi (CAPRISA).

Phóng viên đã có phỏng vấn nhanh với Giáo sư Quarraisha Abdool Karim, tân Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học thế giới bên lề Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture.

“Tôi ấn tượng với chất lượng và sự đa dạng của các đề cử VinFuture”

Phóng viên: Theo giáo sư, đâu là khác biệt của giải thưởng VinFuture với các giải thưởng khác về khoa học công nghệ?

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim: Giải thưởng VinFuture không chỉ là một giải thưởng tôn vinh các nghiên cứu khoa học mà là những nghiên cứu khoa học tạo ra những thay đổi và tác động có ý nghĩa với đời sống con người. Đó là mục đích mà tôi đã tìm kiếm và vì thế tôi quyết định lựa chọn tham gia giải thưởng VinFuture.

Tôi từng tham gia vào nhiều Hội đồng giải thưởng khác nhau và tôi thấy sự khác biệt lớn nhất của VinFuture về sự khám phá. Điều khác biệt của VinFuture không chỉ khám phá mà khác biệt tạo ra dấu ấn lớn, ảnh hưởng lớn tới toàn nhân loại. Đó là điều tôi ấn tượng nhất với giải thưởng VinFuture.

Sau khi nhận giải thưởng mùa một, chúng tôi đã có những dự án hợp tác với nhau như đưa sinh viên y khoa Việt Nam đến với Nam Phi và có những dự án nghiên cứu chung về y tế của Việt Nam và Nam Phi.

Phóng viên: Năm 2021 bà đến với VinFuture nhận giải, năm nay bà đến Việt Nam với vai trò là Hội đồng sơ khảo, bà thấy vai trò này của mình như thế nào?

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim: Tôi rất hứng thú với vai trò mới vì tôi có cơ hội đọc nhiều đề cử trên thế giới và có cơ hội biết trước điều gì sẽ xảy ra. Năm đầu tiên tham gia Hội đồng sơ khảo, tôi rất ấn tượng với số lượng đề cử, chất lượng đề cử và sự đa dạng của các đề cử.

Tôi và chồng tôi đã có 30 năm bên nhau, có nhiều dự án khác nhau trước khi cùng nghiên cứu về HIV. Chúng tôi tự hào vì được tham gia các hoạt động vì cộng đồng HIV và có thời gian tăng cường mối quan hệ của Việt Nam và Nam Phi.

Việt Nam cần có thêm nhà khoa học về lĩnh vực y học, sinh học

Phóng viên: Sau khi nhận Giải thưởng VinFuture, bà đã có những hoạt động nào hỗ trợ các nhà khoa học trẻ Việt Nam?

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim: Chúng tôi cố gắng thiết lập một số mối quan hệ hợp tác như đưa sinh viên Việt Nam sang Nam Phi và như bản thân tôi cũng đến đây để gặp gỡ các bạn sinh viên.

Tôi vừa được bầu làm Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học thế giới và có một nhà toán học Việt Nam cũng là thành viên hội đồng.Tôi tận dụng cơ hội này để gặp gỡ các nhà khoa học Việt Nam để giúp các nhà khoa học trong nước nâng tầm những công trình của họ trên toàn cầu. Đây là một hành động của tôi để đáp đền.

Một nhiệm vụ khác nữa là làm sao để làm tăng cường nhận thức về khoa học Việt Nam trên cộng đồng thế giới. Việt Nam có nhiều nhà khoa học toán học, vật lý học xuất sắc… Tôi rất muốn Việt Nam có nhiều nhà khoa học về lĩnh vực y học, sinh học. Đó là thế mạnh của tôi. Từ đó tôi sẽ suy nghĩ làm sao hợp tác và giúp đỡ người Việt Nam nhiều hơn.

“Tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà khoa học trẻ Việt Nam" ảnh 1

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim cho biết bà sẵn sàng hỗ trợ các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về công tác phòng, chống HIV tại Việt Nam. Những nghiên cứu của bà sẽ hỗ trợ Việt Nam thế nào trong công tác phòng, chống HIV để chúng tôi có thể chấm dứt HIV vào năm 2030?

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim: Các nghiên cứu của tôi bao gồm cả về HIV, lao phổi, Covid-19. Đây là những vấn đề có sự liên kết với nhau. Tôi đã có nhiều công trình làm việc với các Viện Pasteur tại Pháp và Việt Nam trong nhiều năm, đặc biệt trong ngăn ngừa lây truyền của người mẹ sang con.

Nhìn chung thách thức của HIV với Việt Nam không quá lớn so với Nam Phi. Bằng việc hợp tác cùng nhau, học hỏi kiến thức lẫn nhau, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp nhanh hơn cho các vấn đề. Đến nay thế giới có hơn 30 triệu người đang sống với HIV. Vấn đề đặt ra là phải tìm những thuốc kháng virus cho người HIV. Phần lớn những người nhiễm HIV qua đời vì bị nhiễm lao phổi nên cần phải hợp tác cùng nhau nhiều hơn, học hỏi kiến thức để cải thiện vấn đề này.

Các nước đang phát triển cũng có thể tạo ra các nghiên cứu xuất sắc

Phóng viên: Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, bà có nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà khoa học khác không? Bà nghĩ thế nào về sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học?

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim: Hơn 30 năm trước khi lần đầu nghiên cứu về HIV, tôi đã làm dự án cao học ở Đại học Colombia. Suốt thời gian học tôi được hưởng lợi rất nhiều từ sự cộng tác. Tôi biết ai hứng thú với dự án của mình thì tôi sẽ rất vui hợp tác với họ. Chúng tôi kết nối với nhau trên tinh thần đam mê về khoa học. Chúng ta xây dựng khoa học vì một thế giới tốt đẹp hơn, để cải thiện đời sống con người.

Là một nhà khoa học chuyên về y tế cộng đồng chúng tôi không chỉ tập trung vào cuộc sống người dân địa phương bởi vì sống với nhau chung môi trường lành mạnh nên chúng tôi tương tác với mọi người trên thế giới.

Khi làm việc với nhau, cùng nhau thì cùng kết nối cộng đồng, cùng tìm ra giải pháp chung cho nhân loại. Khi hợp tác với nhau thì tìm ra vấn đề đó nhanh hơn.

Phóng viên: Nhiều nhà khoa học ở các nước đang phát triển sau khi được học tập ở các nước phát triển đã không trở về. Bà nghĩ sao về việc chảy máu chất xám này?

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim: Tôi từng tham gia đào tạo hàng ngàn nhà khoa học ở Nam Phi. Trong số họ có những người đến với nhiều nơi trên thế giới nhưng chúng tôi ở đây phục vụ cho nông dân chúng tôi.

Tôi không vui vẻ khi với việc người ta đi đến những nơi khác trên thế giới nhưng tôi tôn trọng quyết định của họ.

Tôi nghĩ chúng ta cần phải chứng tỏ cho họ thấy ngay cả những nước đang phát triển vẫn có những vấn đề thay đổi cả thế giới. Chúng tôi nghĩ cách làm sao phải giữ những bộ óc xuất sắc nhất ở lại đất nước để phục vụ đất nước và chúng ta phải chứng tỏ chúng ta có những lợi thế cạnh tranh về chiến lược để các nhà khoa học có thể ở lại và làm việc.

Ngay cả ở các nước đang phát triển, chúng ta có thể tạo ra những nghiên cứu rất tốt, nghiên cứu xuất sắc nhất khiến thế giới tốt đẹp hơn.

Phóng viên: Theo bà, làm thế nào để thu hút các bạn trẻ theo đuổi nghiên cứu khoa học?

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim: Không có nhiều người theo đuổi nghiên cứu khoa học như chính trị, kinh tế… Đó là lý do cần phải nâng vị thế của ngành khoa học, làm sao để ngành khoa học đóng góp và cải thiện cuộc sống tốt hơn.

Chúng ta phải làm cho các bạn trẻ thấy rằng những đóng góp của khoa học không chỉ có mục đích làm cho cuộc sống ý nghĩa cho bản thân mình cho cả cộng đồng. Khi người trẻ thấy khoa học dẫn dắt thế giới tốt đẹp hơn, họ sẽ có niềm cảm hứng, đam mê theo đuổi.

Khoa học dạy cách tôn trọng bản thân mình, tôn trọng môi trường, cộng đồng chung quanh. Thông qua khoa học, chúng ta sẽ khiến thế giới tốt đẹp hơn và sống trong thế giới tốt đẹp hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn Giáo sư Quarraisha Abdool Karim!

Lễ trao giải VinFuture - một trong những giải thưởng Khoa học Công nghệ lớn nhất hành tinh - sẽ được phát trực tiếp trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Global.