Tuy nhiên, việc khắc phục đến nay còn bộn bề khó khăn, cần sự nỗ lực của chính quyền các cấp, của cộng đồng và hộ gia đình để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.
Mưa lũ lịch sử đi qua đã gần hai tháng, nhưng trên địa bàn xã Yên Đổ, huyện Phú Lương vẫn còn ngổn ngang thiệt hại chưa khắc phục xong. Khuôn viên trụ sở xã Yên Đổ vốn xanh, sạch, đẹp, sau khi bị mưa lũ nhấn chìm, đến nay lớp bùn đất còn phủ từ cổng trở vào; nhà để xe của cán bộ, nhân dân đến giao dịch vẫn xiêu vẹo chưa được sửa chữa, cho nên không sử dụng được.
Trụ sở Công an xã nằm ngay dưới ta-luy dương bị đất đá sạt lở trùm đến tận mái nhà được hót dọn tạm thời, hiện tại vẫn còn tảng đá lớn bằng gian nhà và sườn ta-luy dương đất đá có thể lở xuống bất cứ lúc nào. Trên địa bàn xã có 10 hộ gia đình bị sạt lở sập nhà, phải đi ở nhờ. Các tuyến đường giao thông nông thôn do xã Yên Đổ và các thôn quản lý có hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ, thời gian qua người dân đã dùng cuốc, xẻng hót dọn tạm thời để đi lại.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Đổ Trần Văn Thông cho biết: “Hộ gia đình bị sập đổ nhà cửa do sạt lở được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà, phần lớn các hộ này nằm trong diện khó khăn, phải vay mượn nhiều để vừa phải thuê máy móc san ủi sạt lở tạo mặt bằng như trước, vừa phải làm lại nhà cho nên mất rất nhiều thời gian.
Sạt lở giao thông nông thôn lên đến hàng trăm điểm, người dân với các phương tiện thô sơ chỉ hót dọn tạm thời, ngân sách xã quá eo hẹp không thể thuê cơ giới khắc phục. Thời gian tới nếu huyện không cấp kinh phí hỗ trợ thì chúng tôi sẽ vận động người dân đóng góp để thuê máy xúc, máy ủi khắc phục sạt lở”.
Xã Yên Đổ có gần 70 ha lúa bị thiệt hại từ 70% trở lên, chiếm khoảng 40% diện tích lúa của toàn xã, trong đó có hàng chục héc-ta bị đất đá vùi lấp, nhiều thửa bị vùi sâu 0,5m phải thuê máy xúc hót dọn, thuê ô-tô chở đi đổ thì mới canh tác được, đây là vấn đề rất nan giải, mất nhiều thời gian, kinh phí, vượt quá khả năng của nhiều gia đình.
Định Hóa là huyện miền núi, mùa mưa vừa qua hứng chịu dồn dập nhiều trận mưa, lũ lớn bất thường, địa hình dốc lớn, ruộng đất hai bên suối, thung lũng, nhiều tuyến giao thông nông thôn men theo sườn đồi, núi, khi sạt lở kèm theo cây cối, búi tre rất lớn ngổn ngang trên hầu hết các đường xóm, xã, vùi lấp hàng chục héc-ta đất nông nghiệp.
Theo phân cấp, giao thông nông thôn thì xã, xóm hót dọn; chính sách hỗ trợ thiệt hại đối với sản xuất là 2 triệu đồng/ha, tương đương hơn 70.000 đồng/sào ruộng, nhiều hộ nông dân không muốn thống kê, báo cáo thiệt hại dẫn đến việc khắc phục ruộng đất vùi lấp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nông Văn Nhất ở xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa có hơn một sào ruộng bị lũ quét cuốn theo đất đá vùi lấp toàn bộ mặt ruộng dày 0,5m, ông phải thuê máy xúc, máy ủi khắc phục, chở đất đá đi đổ hết cả chục triệu đồng, sau đó phải dày công cải tạo thì mới canh tác được.
Ông Nhất trần tình: “Để được hỗ trợ hơn 70.000 đồng/sào, gia đình phải kê khai thiệt hại rồi nộp lên trưởng xóm, sau đó thẩm tra, họp mấy lần để thống nhất diện tích, phương án, ký các loại giấy tờ để được nhận hỗ trợ hơn 70.000 đồng, trong khi tôi đi làm thợ mỗi ngày công vài trăm nghìn đồng vì thế tôi không làm các thủ tục để được nhận hỗ trợ vì mất nhiều thời gian mà số tiền cũng chẳng đáng là bao”.
Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Quy Kỳ do chính quyền xã và xóm quản lý đều bị sạt lở lớn, khó khắc phục. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quy Kỳ Luân Đức Quỳnh, các xóm có hàng trăm điểm sạt lở kèm theo cây cối, búi tre ngã đổ lẫn trong đống bùn đất trùm lên đường giao thông nông thôn, khi huy động người dân, máy xúc hót dọn thì có nhiều điểm rất khó khắc phục, hoặc nếu được thì mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí, cản trở đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; thành tựu xây dựng nông thôn mới trong nhiều năm bị kéo lùi, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo do thiệt hại về nhà cửa, tài sản, vật nuôi, đất canh tác bị vùi lấp.
Có những thiệt hại lớn do lũ lụt gây ra, như làng hoa truyền thống Cam Giá ở thành phố Thái Nguyên bị lũ lụt “xóa sổ” hơn 20 héc-ta cây hoa đào, mỗi héc-ta có giá trị 400-500 triệu đồng, nhưng không có trong danh mục hỗ trợ thiệt hại do thiên tai. Sau nhiều lần họp bàn giải pháp, xin ý kiến cấp trên, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên vận dụng chính sách, hỗ trợ thiệt hại 4 triệu đồng/héc-ta cây hoa đào cho người dân.
Người dân phường Cam Giá có nhu cầu vay gần 10 tỷ đồng từ tín dụng chính sách để khôi phục làng đào thì Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên thiếu nguồn vốn cho nên chưa thể đáp ứng.
Trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thái Nguyên, sạt lở giao thông nông thôn, đất sản xuất bị vùi lấp rất lớn, phức tạp, trên diện rộng, trong khi nguồn lực có hạn, mức hỗ trợ thấp, việc khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất đến nay gặp khó khăn.
Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Bắc cho biết: “Chúng tôi đề nghị chính quyền các huyện, thành phố trong tỉnh sử dụng ngân sách dự phòng để khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là sạt lở giao thông, sạt lở uy hiếp tài sản, tính mạng người dân, nếu sử dụng hết ngân sách dự phòng thì tổng hợp đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ.
Vận động anh em họ hàng, làng xóm chung tay hỗ trợ các gia đình làm lại nhà ở, khôi phục đất sản xuất bị vùi lấp để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất nông nghiệp”.
Tỉnh Thái Nguyên đề nghị bộ, ngành trung ương nghiên cứu, sửa đổi nâng mức hỗ trợ thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp do thiên tai gây ra để giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.