Khoảng 11 giờ, ngày 5/11, người dân phát hiện có cột khói bốc lên ở bìa rừng, sau đó lửa bốc cháy ngùn ngụt tại khu vực gần hồ Nặm Cắt, xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn). Chỉ trong thời gian ngắn, ngọn lửa lan ra khu vực rừng trồng của người dân khu vực gần đó.
Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường kịp thời kiểm soát, ngăn không cho đám cháy lan rộng. Đám cháy được dập tắt hoàn toàn cùng ngày.
Nguyên nhân được xác định là do người dân đốt cỏ bìa rừng bất cẩn gây cháy, lúc đầu chỉ cháy lau lách, sau đó đám cháy sau đó lan sang diện tích rừng sản xuất của người dân.
Sau đó vài giờ, lúc 14 giờ, ngày 5/11, một vụ cháy rừng tiếp tục xảy ra tại khu vực giáp ranh giữa xã Bằng Lãng và thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn). Vụ cháy xảy ra trên đất rừng sản xuất, khu vực nhiều núi đá nên lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường.
Tại Bắc Kạn, suốt nhiều tuần qua không có mưa, thời tiết hanh khô, gió lớn, nhiều nơi thảm thực vật dày, có nhiều rừng lau lách xen kẽ nên tiềm ẩn rất lớn nguy cơ cháy rừng.
Trong thời gian 10 ngày từ ngày 28/10 đến 6/11, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy 6 vụ cháy rừng và cháy trên đất lâm nghiệp tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Mới và thành phố Bắc Kạn với diện tích bị cháy khoảng 5,66ha, trong đó diện tích đất có rừng 1,51ha và cháy lau lách 3,26ha.
Nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy trên là do việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng bất cẩn của người dân, dẫn đến tình hình cháy rừng có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Tuyên Quang chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, thời điểm này đã bước vào mùa khô của những tháng cuối năm sẽ ít có mưa, tình trạng khô hanh có thể kéo dài, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, gây thiệt hại về rừng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nông Quang Nhất yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tập trung cao cho công tác kiểm tra, giám sát, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Các địa phương, đơn vị chủ rừng kiểm tra, rà soát, điều chỉnh lại phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng bảo đảm sát, đúng thực tế, có tính khả thi.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; quan tâm bảo đảm, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 bảo đảm theo đúng cấp dự báo cháy rừng quy định; có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, tài sản và bảo đảm kịp thời chế độ cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ trực cháy và chữa cháy rừng.
Tỉnh cũng yêu cầu kiểm tra, đôn đốc và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân; thực hiện nghiêm việc sử dụng lửa để xử lý thực bì theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (đốt thực bì có kiểm soát); nghiêm cấm việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng khi cấp dự báo cháy rừng trên cấp III.
Người đứng đầu các địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật trong trường hợp không triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Được biết, trong năm 2023, toàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra 13 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 13ha rừng.