Đổi thay ở vùng cao Nậm So

Nậm So là bản vùng cao duy nhất của xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) với 100% số dân là dân tộc Lào. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội ở Nậm So đã có nhiều đổi thay.
0:00 / 0:00
0:00
Cây chè mang lại thu nhập ổn định cho bà con Nậm So.
Cây chè mang lại thu nhập ổn định cho bà con Nậm So.

Trước đây, Nậm So là bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Khoa. Đường vào bản quanh co, đất đá gồ ghề, mưa thì trơn trượt, đi lại khó khăn, đời sống của người dân thiếu thốn trăm bề. Nay trở lại Nậm So với hệ thống đường bê-tông phẳng lỳ, điện sáng từ nhà ra ngõ.

Người dân không còn thả rông gia súc, gia cầm dưới gầm sàn như trước, nhà nào cũng có khu chăn nuôi riêng. Bà con đã biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, biết đến trạm y tế thăm khám thường kỳ. Nhiều nếp nghĩ, cách làm mới, làm cho cuộc sống của người Lào nơi đây ngày một đổi thay.

Với Trưởng bản, kiêm Bí thư Chi bộ bản Nậm So Lò Văn Đôi, cái đổi thay lớn nhất của người Lào ở Nậm So là tình làng, nghĩa xóm ngày một keo sơn, thắm thiết, sự đoàn kết trong cộng đồng ngày một bền chặt.

Đổi thay ở vùng cao Nậm So ảnh 1
Trong cuộc sống hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống người Lào ở Nậm So luôn được duy trì và phát triển.

Vừa tiếp đoàn chúng tôi Trưởng bản Đôi vừa bấm điện thoại gọi bà con, chỉ mươi phút sau, từ ông bà già, chị em phụ nữ, trẻ em đã xúng xính áo khăn, có mặt ở nhà văn hóa đón khách với nụ cười tươi rói. Bà con đến vì nghe thông báo có các cán bộ trên tỉnh về tìm hiểu viết bài văn hóa đời sống của dân tộc Lào.

Nhà văn hóa của bản Nậm So đặc biệt ở chỗ ngôi nhà sàn được đặt ở đầu bản giữa cánh đồng lúa mênh mông. Khoảng sân rộng, thoáng, đẹp, không có mái che, nhưng đủ để cho cả bản hội họp, sinh hoạt, hát múa, đánh trống, đánh chiêng.

Đây cũng là nơi các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất. Trước đây khi chưa có nhà văn hóa, mọi hoạt động của người dân trong bản thường tập trung tại nhà trưởng bản. Khi có chủ trương xây nhà văn hóa, ai cũng háo hức mong chờ có không gian sinh hoạt chung.

Thế nên, bà con hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây nhà văn hóa, tham gia hiến đất, góp công cùng nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Sau gần một năm, nhà văn hóa bản khánh thành, cùng hệ thống đường giao thông nội bản kiên cố. Có được kết quả đó là nhờ có sự vận động của các cấp lãnh đạo bản, xã, sự đồng lòng của bà con góp hàng trăm ngày công và hiến hơn 2.000m2 đất.

Điều đặc biệt, người già ở Nậm So vẫn giữ tục nhuộm răng đen, chế tác nhạc cụ và vũ điệu xòe chiêng. Đã thành thông lệ, vào dịp mùa xuân, các ngày lễ hội, khi tiếng trống, chiêng của nam giới cất lên là người già, con trẻ lại í ới gọi nhau, áo váy rực rỡ tụ hội về nhà văn hóa bản luyện tập.

Đổi thay ở vùng cao Nậm So ảnh 2
Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước luôn được các cấp triển khai kịp thời, hiệu quả.

Chị Lò Thị Ban, Đội trưởng Đội văn nghệ bản Nậm So cho biết: “Thực hiện Nghị quyết của tỉnh, huyện và định hướng của xã về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, bản đã thành lập được đội văn nghệ với 15 thành viên là lực lượng nòng cốt kế cận, yêu văn hóa dân tộc, biết tiếp thu, học hỏi từ những thế hệ đi trước, hằng ngày, được nghệ nhân của bản trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Cụ Lò Văn Kẻo, năm nay hơn 70 tuổi, mỗi khi có dịp quây quần, cụ thường nói đến sản vật nổi tiếng của Nậm So là giống chè Shan tuyết. Nhưng vài năm gần đây, thức uống “vàng xanh” ấy mới chính thức mang tiền bạc về cho bà con. Trước đây, bà con chỉ lấy lá cây chè Shan tuyết về hãm nước uống, hoặc đun nước tắm cho trẻ.

Nay có đường giao thông thuận lợi, bà con không phải đi xa, khi thu hoạch, đã có người của Công ty cổ phần Trà Than Uyên về mua chè búp ngay tại đầu ruộng. Lượng chè búp ổn định, hằng tháng mang về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong bản.

Đến nay, trong bản nhiều hộ có nguồn thu cao từ cây chè, từ chăn nuôi sản xuất, điển hình hộ Lò Văn Mai, mỗi năm riêng nguồn thu từ chè búp tươi mang về cho gia đình ông khoảng 150 triệu đồng. Chưa kể với diện tích hơn 2 ha lúa, mỗi vụ cho gia đình hàng trăm bao thóc phục vụ chăn nuôi và phát triển kinh tế chuồng trại.

Nhận thấy cây chè mang lại giá trị kinh tế cao, không chỉ dừng lại diện tích chè cũ, mới đây người dân đã trồng mới thêm gần 60 ha giống chè Kim Tuyên. Người dân cho biết, diện tích này vẫn tiếp tục được mở rộng và đang hướng cây chè trở thành cây mũi nhọn trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Đổi thay ở vùng cao Nậm So ảnh 3
Từ sự đồng thuận của người dân mà đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở Nậm So đã có nhiều đổi thay.

Nậm So có 138 hộ, 660 nhân khẩu, toàn bản có 65 ha diện tích đất lúa sản xuất hai vụ. Cùng hệ thống tưới tiêu thuận lợi, người dân chọn những giống lúa mới vào canh tác, đầu tư phân bón, công sức chăm sóc, áp dụng các kiến thức khoa học, sản lượng lúa luôn đạt cao.

Ngoài nguồn thu nhập từ cây chè, chăn nuôi sản xuất, hằng năm, bà con được nhận khoảng 350 triệu đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Nguồn thu đáng kể này giúp đời sống người dân ngày càng cải thiện, cũng như trách nhiệm giữ và bảo vệ rừng tốt hơn.

Bí thư Đảng ủy xã Mường Khoa Trương Thanh Hiếu chia sẻ: “Nhiều chương trình, đề án giúp người dân xóa đói, giảm nghèo được triển khai thực hiện như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình xây dựng Nông thôn mới..., thu nhập bình quân đầu người của bà con Nậm So hiện nay đạt gần 50 triệu đồng/người/năm; xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo năm với mức bình quân giảm từ 3-5%. Nậm So hôm nay không lo đứt bữa như trước nữa. Bà con người dân tộc Lào biết áp dụng khoa học vào chăn nuôi, canh tác, nhiều gia đình đã có của ăn của để, vươn lên thoát nghèo…”