Sơn La khơi thông nguồn tín dụng

Sau tám năm triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55), đến nay tỉnh Sơn La đã đưa được dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Từ nguồn vốn vay theo Nghị định 55, nhiều hộ nông dân vùng sông Đà, huyện Quỳnh Nhai đã phát triển hiệu quả nghề nuôi cá lồng.
Từ nguồn vốn vay theo Nghị định 55, nhiều hộ nông dân vùng sông Đà, huyện Quỳnh Nhai đã phát triển hiệu quả nghề nuôi cá lồng.

Tại các cơ sở của Sơn La, nhiều gói tín dụng phù hợp đã và đang đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn.

Thời điểm Nghị định số 55 được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai thực hiện quy mô cấp tỉnh, được lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm, tích cực triển khai. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập Ban chỉ đạo cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phụ trách khối kinh tế làm trưởng ban, Giám đốc Agribank các chi nhánh làm phó trưởng ban thường trực và các thành viên…

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Sơn La đã ban hành hơn 30 văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng và đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể phối hợp thực hiện; quán triệt 100% các tổ chức tín dụng thường xuyên tập huấn, hướng dẫn về cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và làm việc trực tiếp với khách hàng để tuyên truyền, phổ biến các quy định cho vay.

Ông Lê Cao Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Sơn La, cho biết: “Qua các chương trình, chúng tôi đã đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai Nghị định số 55 lồng ghép với các chính sách khác của Chính phủ, của tỉnh, như hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; phát triển nông, lâm, thủy sản, nông nghiệp sạch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… với lãi suất ưu đãi theo quy định của Chính phủ, nhằm đạt hiệu quả cao nhất”.

Trong tám năm qua, các tổ chức tín dụng đã thực hiện hơn 10 lần điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam cho các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đối với các khách hàng đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được giảm sâu từ 7%/năm trong năm 2015 xuống 4%/năm trong năm 2023 và thấp hơn lãi suất cho vay thông thường khoảng 3-5%/năm.

Là một trong những tổ chức tín dụng triển khai, thực hiện tốt Nghị định 55, trong tám năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Sơn La đã phục vụ hơn 33.000 khách hàng với dư nợ gần 11.500 tỷ đồng. Đơn vị đã ban hành nhiều cơ chế, thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng tín dụng, hỗ trợ tối đa nguồn lực cho người dân khu vực nông thôn, trở thành “bạn đồng hành” đắc lực cho người dân ở các khu vực nông thôn.

Ông Lê Văn Mến, ở bản Khoa 2, xã Tường Thượng, huyện Phù Yên, thông tin: “Năm 2012, tôi bắt đầu phát triển kinh tế bằng mô hình trâu, bò vỗ béo, khởi đầu với nguồn vốn ít ỏi, tôi chỉ đầu tư được 5-10 con trâu, bò. Nhận thấy có thể phát triển kinh tế gia đình từ mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo và trâu bò giống, tôi đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng của Agribank Chi nhánh huyện Phù Yên đầu tư nuôi trâu bò vỗ béo và trâu bò giống.

Từ quy mô ban đầu là 10 con trâu, bò, đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi mở rộng khu vực nuôi hơn 300 con trâu bò vỗ béo, trâu bò giống và vay thêm ngân hàng một tỷ đồng để phát triển kinh tế. Cùng với việc bảo đảm cuộc sống cho gia đình, tôi còn tạo việc làm cho 5-7 hội viên nông dân xã có thu nhập ổn định từ 10-12 triệu đồng/người/tháng”.

Câu chuyện được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định số 55 của anh Lê Văn Mến là một trong số hàng nghìn nông dân ở Sơn La được sử dụng nguồn vốn vay Nghị định số 55 hiệu quả. Với dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 23.000 tỷ đồng, tăng 10.080 tỷ đồng so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,87%, tỉnh Sơn La đã giúp các hộ nông dân thêm điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, liên kết chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Đồng thời, nguồn vốn đã giúp các huyện, thành phố và các cơ sở hình thành những mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp...

Qua đánh giá cho thấy, nguồn vốn tín dụng theo Nghị định số 55 của Chính phủ đã và đang giúp tỉnh Sơn La chuyển dịch thành công cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển cây ăn quả, nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

Bước đầu hình thành các vùng chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, thu hút được các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến, góp phần giúp người dân vùng nông thôn thêm nguồn lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và diện mạo vùng nông thôn có nhiều đổi thay rõ rệt…